Trưa 26.9, đại diện Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định cho biết bà Đinh Thị Nhiếk (64 tuổi) cùng hai cháu ngoại là Đặng Thị Hòa Thế (10 tuổi) và Đinh Thị Thoắt (4 tuổi, cùng ở thôn Suối Đá, xã Vĩnh Sơn, H.Vĩnh Thạnh, Bình Định) đã tỉnh táo trở lại sau 2 ngày điều trị tích cực.
Ngày 24.9, chị Đinh Thị Dứa (con gái bà Nhiếk) đi làm rẫy cách nhà khoảng 1 km, đã hái khoảng 100 gram nấm đem về nấu cháo để ăn bữa tối. Bữa ăn có 3 người, gồm bà Nhiếk và hai cháu ngoại, còn chị Dứa cùng chồng sang nhà hàng xóm chơi.
Gần 21 giờ ngày 24.9, vợ chồng chị Dứa về nhà thì phát hiện 3 bà cháu nằm hôn mê trên sàn nhà nên đã đưa đến Trung tâm y tế H.Vĩnh Thạnh cấp cứu.
Đến 0 giờ ngày 25.9, cả 3 bệnh nhân được chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định để điều trị.
Khi đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, 2 cháu Thế và Thoắt vẫn hôn mê, được điều trị ở Khoa Nhi. Bà Nhiếk lơ mơ, chóng mặt, buồn nôn, da ấm... và được điều trị tại Khoa Nội tổng hợp. Các bác sĩ nhận định 3 nạn nhân bị ngộ độc nấm.
Ngày 25.9, Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm tỉnh Bình Định đã đến bệnh viện để lấy mẫu thực phẩm, mẫu máu và đến gia đình bệnh nhân ở xã Vĩnh Sơn để lấy mẫu nấm mà bà Nhiếk và 2 cháu đã ăn để gửi Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) xét nghiệm.
Theo chuyên gia của Cục An toàn Thực phẩm, loại nấm mà bà Nhiếk cùng hai cháu ngoại ăn phải là nấm Mũ khía nâu xám (tên khoa học là Inocybe Rimosa). Độc tố chính là Muscarin, thuộc nhóm có độc tố gây độc cho gan, thận và hệ thần kinh. Bệnh nhân nếu đến bệnh viện muộn, hoặc không được điều trị ở bệnh viện sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng, do bị hoại tử tế bào gan nặng dẫn đến suy đa phủ tạng, suy thận và tử vong.
Bác sĩ Phan Văn Dũng, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết qua 2 ngày điều trị, các cháu Thế và Thoắt đã tỉnh táo, các cơ quan gan, thận, thần kinh đã ổn định.
Tuy nhiên, do các bệnh nhân bị ngộ độc nấm có chất ảnh hưởng đến thần kinh, có khả năng sẽ bộc phát nên bệnh viện vẫn giữ các cháu lại vài ngày để theo dõi.
Bình luận (0)