3 tháng, gần 5.000 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị tại TP.HCM

29/03/2017 18:17 GMT+7

Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, từ đầu năm đến nay, TP.HCM đã ghi nhận gần 5.000 ca mắc sốt xuất huyết nhập viện điều trị, mặc dù thời gian này vẫn chưa vào mùa đỉnh dịch của bệnh.

Hôm nay (29.3), thông tin từ Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, xác nhận trong gần 5.000 ca sốt xuất huyết (SXH) tại TP.HCM, từ đầu năm đến nay, có 3 trường hợp tử vong.
Đó là trường hợp bệnh nhi 9 tháng tuổi (ngụ Q.12) tử vong với chẩn đoán sốc SXH nặng, suy đa tạng. Bé sốt liên tục và xuất huyết thái dương phải, không đáp ứng truyền máu và tiểu cầu.
Trường hợp thứ hai là bệnh nhân nữ 36 tuổi (ngụ Q.12) tử vong do SXH nặng, sốc.
Gần đây nhất là bệnh nhân 51 tuổi (ngụ Q.5). Ban đầu bệnh nhân sốt, nhức đầu, ăn uống kém… Qua 5 ngày tự điều trị và không được chẩn đoán đúng bệnh, tình trạng tiến triển nặng, bệnh nhân mới vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới. Sau khi nhập viện, bệnh nhân đã tím tái, mê man, tay chân lạnh, da nổi bông, chuyển qua sốc, suy đa tạng, viêm cơ tim và tử vong.
Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đề nghị các địa phương giám sát chặt chẽ việc xử lý vệ sinh môi trường, có biện pháp mạnh đối với các trường hợp để phát sinh ổ lăng quăng, ổ dịch SXH trên địa bàn; người dân cần giữ vệ sinh nhà cửa, diệt muỗi, tránh để nước đọng làm chỗ cho lăng quăng, muỗi sinh sôi.
Để phòng bệnh SXH, bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo người dân nên ngủ mùng, thoa kem chống muỗi để tránh bị muỗi đốt.
Bác sĩ khuyến cáo người dân nên đi bệnh viện khám bệnh để được chẩn đoán, điều trị sớm, không để bệnh diễn tiến nặng, nguy cơ tử vong.
Nhiều ổ dịch tại trường học
Bên cạnh đó, trong hai tuần giữa tháng 3, Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM đã ghi nhận thêm hai ổ dịch thủy đậu, hai ổ dịch quai bị và một ổ dịch tay chân miệng trên địa bàn TP.HCM.
Đặc biệt, các ổ dịch, chùm ca bệnh này lại xuất hiện trong trường học. Trong đó, tại một trường mầm non (Mầm non 10, Q.11) cùng lúc có cả chùm ca bệnh thủy đậu và tay chân miệng.

tin liên quan

Phòng bệnh thủy đậu vào mùa
Bệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh 'trái rạ' đang vào mùa theo chu kỳ hằng năm. Ngay từ đầu mùa bệnh đã có những ca nặng. Bác sĩ cảnh báo cần phòng bệnh lây lan và biến chứng nguy hiểm.
Quận 12 có đến hai ổ dịch tại trường học. Đó là tại Trường tiểu học Lê Văn Thọ, với 12 học sinh mắc bệnh thủy đậu và Trường tiểu học Phạm Văn Chiêu, với 14 học sinh bị quai bị.
Một ổ dịch quai bị khác xảy ra tại Trường Mầm non Đông Lân (huyện Hóc Môn), với bốn học sinh mắc bệnh.
Báo cáo của Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM còn cho thấy từ đầu năm 2017 đến ngày 16.3, thành phố ghi nhận 122 ca bệnh thủy đậu (tăng 47% so với cùng kỳ năm 2016 - 83 ca) và 124 ca quai bị (tăng 88% so với cùng kỳ năm 2016 - 66 ca).

tin liên quan

Bệnh tay chân miệng dễ lầm với nhiều bệnh khác
Theo BS Dư Tuấn Quy, Bệnh viện Nhi đồng 1, bệnh tay chân miệng nhiều khi rất khó nhận biết. Sai lầm thường gặp là cha mẹ thấy trẻ chảy nước miếng, sốt thì nghi là mọc răng; nhiều người thấy bóng nước thì nghĩ là trái rạ...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.