4 loại trầm cảm dễ gặp và cách nhận diện

24/01/2018 08:01 GMT+7

Trầm cảm khó xác định và có nhiều loại khác nhau. Trong đó, một số loại trầm cảm rất phổ biến. Phát hiện và có cách điều trị hợp lý sẽ giúp người bệnh sớm lấy lại thăng bằng cuộc sống.

Các biểu hiện chung của trầm cảm là cảm giác chán nản, thất vọng, suy nhược tinh thần. Việc biết được các loại trầm cảm có thể giúp chúng ta hiểu hơn về tình trạng của mình nếu chẳng may rơi vào trầm cảm, theo MSN.
Trầm cảm nhẹ, trung bình và nặng
Trầm cảm thường được chẩn đoán bằng cách sử dụng một danh sách các câu hỏi về cảm nhận mức độ năng lượng của cơ thể, tâm trạng, sự thèm ăn và giấc ngủ, theo MSN.
Câu trả lời được đánh giá bằng điểm số, cho phép các bác sĩ tâm lý có thể phân loại trầm cảm thành nhẹ, trung bình hoặc nặng. Đây được xem là phương pháp chẩn đoán phổ biến nhất.
Trầm cảm nhẹ và trung bình sẽ được trị bằng cách trò chuyện, trao đổi với nhà trị liệu tâm lý. Nếu là trường hợp nặng thì có thể được điều trị kết hợp với thuốc. Một người rơi vào trạng thái buồn, chán nản trong hơn hai tuần thì đó rất có thể là trầm cảm. Trầm cảm thường chỉ là tạm thời và hoàn toàn có thể điều trị, các chuyên gia tâm lý cho biết.
Trầm cảm sau sinh
Trầm cảm sau sinh chỉ tình trạng bị trầm cảm ở phụ nữ sau khi sinh con. Theo Trường cao đẳng Tâm lý học Hoàng gia (Anh), khoảng 10-15% bà mẹ mắc trầm cảm sau sinh. Bệnh này khá phổ biến và nhận thức của mọi người về trầm cảm sau sinh đang ngày được nâng cao.
Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý lưu ý không chỉ sau sinh phụ nữ mới bị trầm cảm mà khi đang mang thai họ cũng bị trầm cảm. Hiện tượng này gọi là trầm cảm trước khi sinh.
“Nếu bạn cảm thấy buồn và khóc thì đừng nghĩ đó không phải là trầm cảm vì mình vẫn chưa sinh con”, chuyên gia tâm lý học lâm sàng người Anh - bà Emma Citron - khuyến cáo các thai phụ.
Có rất nhiều hoóc môn thay đổi trong thời gian mang thai và trầm cảm có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào. Với trầm cảm sau sinh thì gia đình và bạn bè có vai trò rất quan trọng. Những người thân thiết này có thể lắng nghe và giúp đỡ để phụ nữ mắc trầm cảm sau sinh có thể vượt qua giai đoạn khó khăn và chăm sóc tốt con nhỏ cũng như bản thân họ, bà Citron nói thêm.
Rối loạn lưỡng cực
Rối loạn lưỡng cực, hay gọi là bệnh hưng - trầm cảm. Người mắc rối loạn lưỡng cực có thể thay đổi tâm trạng cực đoan, đôi khi vui vẻ, phấn chấn nhưng lại có lúc trầm uất, buồn chán.
Thậm chí, một số trường hợp mắc rối loạn lưỡng cực nặng dẫn đến tình trạng hưng phấn quá độ, khiến người bệnh cởi quần áo rồi chạy ra ngoài phố. “Đây là một dạng trầm cảm nghiêm trọng và nhìn chung thì chỉ có thể được điều trị bằng thuốc”, MSN dẫn lời bà Citron.
Rối loạn cảm xúc theo mùa
Rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD) là dạng trầm cảm mà hằng năm, cứ vào một thời điểm nào đó thì lại xuất hiện. Thông thường, rối loạn cảm xúc theo mùa hay mắc vào mùa đông.
“Các triệu chứng thì cũng giống như trầm cảm thông thường. SAD khác những trầm cảm khác ở chỗ nó xảy ra vào một khoảng thời gian cụ thể nào đó trong năm”, ông Stuart Haydock, chuyên gia sức khỏe tâm lý tại Bupa - một tổ chức chăm sóc sức khỏe cộng đồng phi lợi nhuận ở Anh, cho biết.
Điều trị rối loạn cảm xúc theo mùa có thể phức tạp và cần nhiều thời gian, trong trường hợp bệnh nặng thì phải cần dùng thuốc, ông Haydock nói thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.