5 yếu tố thường gặp liên quan đến ung thư vú

03/10/2019 09:44 GMT+7

Ung thư vú là ung thư phổ biến ở phụ nữ Việt Nam và hầu hết các nước trên thế giới. Bệnh được phát hiện ở giai đoạn càng sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh càng cao.

Theo Bệnh viện K T.Ư, với người mắc ung thư vú, tỷ lệ sống thêm sau 5 năm giảm từ 100% ở giai đoạn tiền lâm sàng (giai đoạn 0) xuống 95% ở giai đoạn 1, 80% ở giai đoạn 2, 72% ở giai đoạn 3 và đến giai đoạn 4 chỉ còn 25%. Lối sống liên quan mật thiết đến nguy cơ mắc ung thư vú.
- Ung thư vú có thể phát hiện được từ giai đoạn rất sớm

Ung thư vú có thể phát hiện được từ giai đoạn rất sớm

Ảnh: Liên Châu

Thừa cân béo phì

Phụ nữ thừa cân nặng có nguy cơ cao mắc ung thư vú hơn so với người phụ nữ có thân hình mảnh mai. Phần lớn bệnh nhân ung thư vú có chỉ số BMI lớn hơn 23.
Chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu rau xanh, hoa quả và vi chất… Khiến cho chỉ số cholesteron tăng, cộng thêm những thực phẩm không an toàn (rau nhiễm thuốc trừ sâu, thịt có chất tăng trường) tăng nguy cơ mắc bệnh. Lối sống lười vận động - hoạt động thể lực, làm việc trong môi trường nhiễm phóng xạ là yếu tố nguy cơ khiến bệnh ung thư vú tăng.

Thói quen rượu bia

Rượu bia kích thích tế bào nội tiết tố nữ và làm tăng khả năng di căn của ung thư vú. Rượu bia còn kích thích chất gây ung thư làm tổn thương các mô tuyến vú.

Dùng thuốc nội tiết kéo dài

Yếu tố nội tiết có liên quan tới căn bệnh ung thư vú. Người có đời sống nội tiết kéo dài hơn bình thường (có kinh sớm và tắt kinh muộn hơn bình thường) cũng thuộc vào nhóm có nguy cơ cao.
Người dùng thêm các loại thuốc nội tiết hỗ trợ (Estrogene và Prolactine) có nguy cơ cao hơn so với những người không dùng thuốc nội tiết.
Phụ nữ có nhu cầu tình dục cao hơn bình thường cũng là một trong nhóm nguy cơ mắc bệnh ung thư vú do có liên quan tới vấn đề nội tiết.
- Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng

Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng

Ảnh: Liên Châu

Không cho con bú

Phụ nữ không sinh đẻ hoặc ở những người phụ nữ sinh đẻ nhưng không nuôi con bằng sữa mẹ là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc ung thư vú.

Yếu tố kích hoạt gen ung thư vú

Ung thư vú là căn bệnh có tính di truyền có nghĩa là các thế hệ trước như bà, mẹ mang gen ung thư vú có thể truyền lại cho con gái. Tùy theo mỗi dân tộc mà tỷ lệ di truyền gen cho con gái là khác nhau. Ở Việt Nam tỷ lệ di truyền gen ung thư vú chiếm khoảng 2%.
Theo chuyên gia của BV K T.Ư, cách phòng ung thư vú đơn giản nhất là giảm thiểu các yếu tố nguy cơ nói trên. Giảm các yếu tố ngoại sinh bằng cách chế độ ăn cân đối tránh béo phì, không uống rượu, không dùng thuốc nội tiết kéo dài, tăng cường hoạt động thể chất.
Chẩn đoán sớm ung thư vú làm tăng cơ hội điều trị thành công, giảm biến chứng. Phát hiện chậm trễ, lựa chọn điều trị ít, khả năng sống sót thấp hơn, chi phí chăm sóc cao hơn và dễ dẫn tới tàn tật và biến chứng. Các chị em phụ nữ từ 40 tuổi trở lên hoặc những người trên 35 tuổi trong gia đình có mẹ hoặc chị em gái ruột mắc bệnh ung thư vú thì cần khám tầm soát ung thư vú.
Tự khám vú tại nhà
Các chị em nên tự khám vú sau kỳ kinh nguyệt khoảng 5 ngày, là lúc tuyến vú mềm và dễ cảm nhận nhất; cần có thói quen khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư khi qua tuổi 40.
Với những chị em có nguy cơ cao (trong gia đình có mẹ hoặc chị, em gái mắc ung thư vú, đột biến gen BRCA1/BRCA2; tuổi có kinh sớm; không sinh con,…), nên đi khám, tầm soát ở lứa tuổi sớm hơn.
Đặc biệt nên đến ngay BV thăm khám để được tầm soát sớm ung thư vú nếu thấy xuất hiện những dấu hiệu bất thường sau:
* Đau tức, ngứa ở vùng ngực.
* Sự thay đổi ở núm vú, hình dạng và kích thước vú.
* Ngực sưng tấy hoặc có khối u, hạch ở nách.
* Tiết dịch bất thường ở vú.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.