Bác sĩ ơi: Căng đau vai gáy và cách phòng tránh

15/12/2019 09:27 GMT+7

Tôi làm việc văn phòng. Gần đây, khi ngồi làm việc lâu, tôi thường bị mỏi và căng đau vai gáy , vùng cổ, rất khó chịu. Xin bác sĩ cho biết như vậy có nguy hiểm không và cách phòng tránh? ( Thái Minh Thanh , 28 tuổi, ngụ TP.HCM)

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Khoa Chấn thương Chỉnh hình, Phục hồi chức năng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM:
Hội chứng căng đau vai gáy là rối loạn cơ xương thường gặp nhất, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhất là tuổi trung niên và đặc biệt với những người làm việc công sở phải ngồi nhiều.
Các biểu hiện căng đau vai gáy có nhiều mức độ: đau âm ỉ hoặc dữ dội ở vùng cổ, gáy, cảm giác nhức nhối khó chịu, có khi đau nhói như điện giật. Đau có thể lan lên mang tai, thái dương hoặc lan xuống vai, cánh tay. Người bị đau vai gáy không bị hạn chế vận động khớp ngoại trừ các trường hợp nặng. Một số trường hợp có thể kèm co cứng cơ, tê ở cánh tay, cẳng tay, bàn tay, ngón tay hoặc nặng hơn là yếu liệt cơ, teo cơ. Có thể có các điểm đau khi ấn vào các gai sau và cạnh cột sống cổ kèm hạn chế vận động cột sống cổ.
Căng đau vai gáy thông thường không nguy hiểm, nhưng gây ra nhiều lo lắng khó chịu.
Nguyên nhân gây căng đau vai gáy:
Ngồi làm việc sai tư thế trong thời gian dài.
Kẹp điện thoại vào một bên vai vừa nghe vừa ghi chép.
Ngồi làm việc liên tục với máy tính.
Sai tư thế khi lái ô tô.
Gối đầu, ngủ tựa đầu lên ghế.
Ngồi trước quạt hay ngồi máy lạnh lâu.
Dầm mưa dãi nắng lâu.
Gội đầu, tắm rửa ban đêm... làm giảm sự cung cấp ô xy cho các tế bào cơ, gây thiếu máu cục bộ ở các cơ cũng dẫn đến căng đau vai gáy.
Ngoài ra, căng đau vai gáy còn có thể do bệnh lý như: thoái hóa cột sống cổ, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, hẹp ống sống, vẹo cổ bẩm sinh, dị tật, viêm, chấn thương vùng cổ. Những trường hợp này người bệnh cần đi khám sớm khi có các dấu hiệu nguy hiểm: tê/đau lan xuống tay, teo cơ, yếu tay...
Để phòng bệnh, cần chú ý tư thế đúng trong các hoạt động.
Không làm việc quá lâu tại bàn giấy, đặc biệt với máy vi tính, cứ mỗi 30 phút nên dừng lại để thực hiện các động tác vận động cột sống cổ, vai và tay; nghe điện thoại nên cầm ở tay, nếu có chỗ gác tay sẽ giảm bớt độ căng các cơ ở cổ và bả vai.
Cần giữ cổ luôn thẳng, tránh sai tư thế khi ngồi học, đọc sách hoặc đánh máy, không cúi gập cổ quá lâu.
Ngủ đúng tư thế, không nằm gối đầu cao để đọc sách hay nằm xem ti vi, dễ làm sai tư thế cột sống cổ, khi ngủ chỉ gối đầu cao khoảng 10 cm.
Khi xem ti vi nên tựa lưng vào đệm, đầu hơi ngửa ra sau thành ghế, cổ tựa vào một điểm phù hợp với độ cong sinh lý của cổ.
Khi lái ô tô, mô tô, cần ngồi đúng tư thế, tránh ngả người quá mức ra trước hoặc ra sau.
Đặc biệt, không bẻ cổ kêu răng rắc. Đây là thói quen của nhiều người khi mỏi cổ và tin rằng làm như thế sẽ hết mỏi nhưng thực tế lại gây tác dụng hoàn toàn trái ngược. Nếu đĩa đệm đã bị thoái hóa, khi bẻ hoặc vặn mạnh cổ sẽ tạo đà cho đĩa đệm thoát vị ra ngoài và làm bệnh thêm trầm trọng.
Thường xuyên tập luyện thể dục thể thao hoặc tối thiểu là tập thể dục giữa giờ, áp dụng các động tác trong bài tập vận động cột sống cổ để tăng khả năng chịu đựng, tăng sức dẻo dai của hệ thống gân cơ, dây chằng quanh cột sống.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.