Bác sĩ ơi: Làm thế nào để phòng ngừa đột quỵ?

28/08/2018 11:36 GMT+7

Bác sĩ ơi, hiện nay, tôi nghe nói và chứng kiến nhiều người quen biết của mình bị đột quỵ, trong đó có cả tử vong nên cũng cảm thấy lo lắng. Tôi hiện 51 tuổi, sức khỏe ổn định, liệu có nguy cơ đột quỵ không?

Làm thế nào để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này ập đến? Mai Bá Trung (51 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM)
Tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Đơn vị Đột quỵ, Phó trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Đột quỵ, hay còn gọi là tai biến mạch máu não, là bệnh rất phổ biến và nguy hiểm trong xã hội hiện đại. Theo số liệu của Hội Đột quỵ Thế giới, cứ 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Ở Việt Nam, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ, tỉ lệ tử vong do đột quỵ ở nam giới là 18% và ở nữ giới là 23%.
Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kỳ ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe. Một người trẻ tuổi đang có vẻ rất khỏe mạnh, không bệnh tật, cũng có thể bị đột quỵ bất cứ lúc nào mà không hề có những dấu hiệu báo trước.
Đột quỵ có thể phòng ngừa nguy cơ và giảm thiểu hậu quả nếu mọi người chú ý đến sức khỏe và lối sống.
Đột quỵ có rất nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, có 3 nguyên nhân phổ biến nhất là: tăng huyết áp làm thoái hóa tắc mạch hoặc làm nứt vỡ mạch máu não; bệnh lý xơ vữa gây hẹp và tắc động mạch não; rung nhĩ tạo cục máu đông trôi làm tắc mạch não.
Ngoài ra, người có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn là: bị đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bệnh tim, mạch vành, xơ vữa động mạch chân, béo phì, hút thuốc lá, ít vận động, uống nhiều rượu bia.
Vì vậy, để phòng tránh nguy cơ đột quỵ, mọi người cần phải có lối sống lành mạnh: Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia; tăng cường vận động và tập thể dục thể thao; giảm ăn mặn, giảm mỡ béo, tăng cường rau xanh và trái cây.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các bệnh lý nguy cơ như: tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim, xơ vữa động mạch… để kịp thời điều trị.
Đối với bệnh nhân đã từng bị đột quỵ, cần phải uống các thuốc phòng ngừa và điều trị bệnh căn nguyên theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân đột quỵ sau khi được điều trị phục hồi vẫn phải tái khám, kiểm tra sức khỏe thường xuyên.
Bệnh nhân sau điều trị cần có chế độ ăn uống, sinh hoạt hằng ngày tùy thuộc vào bệnh nền của mình theo lời khuyên của bác sĩ.
Bệnh nhân đột quỵ sau điều trị không tái khám, kiểm tra, theo dõi sức khỏe có thể tái bệnh, xảy ra tai biến về sau. Khi tình trạng đột quỵ lặp lại thì việc điều trị sẽ khó khăn hơn ban đầu.
Người bệnh đột quỵ nếu được cấp cứu kịp thời trong “thời gian vàng” thì cơ hội phục hồi trở lại cao. Thời gian vàng để cấp cứu người bệnh đột quỵ là 6 giờ kể từ khi phát bệnh, 3 giờ đầu có thể coi là thời gian kim cương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.