Bác sĩ Trương Hữu Khanh nói gì về tai biến liên quan đến tiêm chủng?

24/04/2018 16:07 GMT+7

Ngày 24.4, tại Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo truyền thông về một số vắc xin mới triển khai trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2018.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1 cho biết việc tiêm hay uống vắc xin là để kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm để tạo ra miễn dịch chống bệnh. Thành phần chính trong vắc xin là kháng nguyên và một số thành phần khác: tá dược, kháng sinh ngừa nhiễm vi trùng vào vắc xin, chế phẩm bảo quản, chất ổn đinh… Tất cả thành phần này có thể gây ra phản ứng nếu cá thể dị ứng với các thành phần trên.
Khó giải thích cho người nhà về tai biến do ngẫu nhiên
Tuy nhiên, không riêng ở Việt Nam mà các nước tiên tiến trên thế giới cũng phải đối đầu với các sự kiện không có lợi liên quan đến tiêm chủng. Nhưng tất cả những sự kiện bất lợi liên quan đến tiêm chủng không nhất thiết phải liên quan đến vắc xin.
Có 5 dạng phản ứng bất lợi liên quan đến tiêm chủng: phản ứng do bản chất vắc xin; phản ứng do chất lượng vắc xin; phản ứng do lỗi tiêm chủng; phản ứng do tâm lý; bệnh trùng hợp ngẫu nhiên.
Theo bác sĩ Khanh, hầu hết những phản ứng sau tiêm vắc xin là nhẹ và tự khỏi như phản ứng tại chỗ: sốt, sưng, nóng, đỏ, đau. Tai biến nặng là rất hiếm do phản ứng quá mẫn, dị ứng; phản ứng riêng của từng vắc xin; phản ứng do vắc xin (tỉ lệ cho phép, cơ địa) và bệnh trùng hợp ngẫu nhiên ở trẻ nhỏ.
Tại Việt Nam, qua điều tra giám sát thì tai biến liên quan đến tiêm chủng do bệnh trùng hợp ngẫu nhiên là chủ yếu và gây khó khăn đối với những nhà làm tiêm chủng, những người quản lý, người thực hành tiêm chủng vì nó rất khó giải thích cho người nhà. Bởi trẻ trước tiêm đã mắc bệnh có sẵn mà khám sàng lọc có thể sót, hoặc không thể phát hiện, sau khi sự cố xảy ra mới được phát hiện khi trẻ nhập viện điều trị.
“Có những bà mẹ đồn nhau đắp khoai tây, dán salonpas khoét lỗ chừa chỗ tiêm. Đồn nhau uống lá tía tô để nó chạy vào sữa, rồi cho con bú để con bớt đau chỗ tiêm”, bác sĩ Khanh nói.
Trong những bệnh có sẵn dẫn đầu là tim bẩm sinh, xuất huyết não, sặc cháo, sữa do chăm sóc không tốt, xử lý không đúng, một số trường hợp khác là nhiễm trùng huyết.
Làm gì khi con trẻ có phản ứng sau tiêm chủng?
Để phòng ngừa phản ứng liên qua đến tiêm chủng, bác sĩ Khanh khuyến cáo, trước khi tiêm chủng cho con em, cha mẹ phải chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, phiếu tiêm chủng; theo dõi sức khỏe con trẻ; thông báo cho cán bộ y tế tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc của trẻ, phản ứng sau tiêm củng của lần tiêm trước. Bởi có phụ huynh bệnh gì cũng không báo cho bác sĩ.
Đối với cán bộ y tế, cần khai thác tiền sử bệnh tật, sử dụng thuốc, tiêm chủng của trẻ.
Sau tiêm chủng cần theo dõi 30 phút ở cơ sở y tế, cha mẹ cần theo dõi trẻ 1-2 ngày tiếp theo về tinh thần, tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm; cho trẻ bú hoặc ăn đủ bữa, đúng tư thế, không bú ăn khi nằm, thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt là ban đêm; không đắp bất cứ thứ gì vào chỗ tiêm. Khi trẻ sưng chỗ tiêm thì chườm mát, sốt thì uống thuốc, đừng đắp lung tung vào chỗ tiêm.
Khi trẻ sốt quá cao 39 độ C, cho uống thuốc hạ sốt nhưng nếu không giảm, sốt kéo dài 23 tiếng, khóc liên tục trên 3 giờ, thở lõm ngực, da nổi bông tím, môi tím, nôn trớ, bú kém hoặc bỏ bú… thì nên đi bệnh viện. Những triệu chứng này có thể không phải do vắc xin mà là bệnh khác.
Theo bác sĩ Khanh, tai biến do vắc xin là bình thường, nước giàu hay nghèo đều bị. Trường hợp ngẫu nhiên thì phải tìm, giải thích. Bởi một sự cố tiêm chủng ảnh hưởng đến niềm tin trong cha mẹ các cháu, muốn lấy lại niềm tin thì phải giải thích cặn kẽ cho người dân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.