Bài tập thở giúp lá phổi khỏe mạnh

18/07/2021 10:08 GMT+7

Hiệp hội Phổi Mỹ (ALA, trụ sở tại bang Illinois, Mỹ) nhấn mạnh tầm quan trọng của lá phổi khỏe mạnh, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Chuyên gia trị liệu hô hấp Mark Courtney, thành viên của ALA, giải thích: Phổi của chúng ta có tính đàn hồi. Tuy nhiên, theo thời gian, khả năng này có thể bị suy giảm. Khi đó, không khí cũ (carbon dioxide) dần dần tích tụ, làm cơ hoành co lại và khiến không gian tiếp nhận luồng không khí mới (oxy) hẹp đi. Đồng thời, khi cơ hoành không thể hoạt động đủ công suất, cơ thể sẽ dùng các cơ khác ở cổ, lưng và ngực để hỗ trợ việc thở. Điều này khiến lượng oxy nạp vào vốn đã không nhiều, còn phải dành ra một phần cho các cơ hoạt động.
Do vậy, các bài tập hít thở sau đây (có thể thực hành xen kẽ cùng nhau), nếu được thực hiện thường xuyên sẽ giúp phổi loại bỏ không khí cũ độc hại, tăng khả năng dung nạp oxy và duy trì công suất cho cơ hoành, theo ALA.

Kỹ thuật thở mím môi

Theo chuyên gia Mark Courtney, đây là bài tập giúp đường thở mở lâu hơn, giảm áp lực cho hệ hô hấp thông qua kỹ thuật thở chậm và thong thả.
Để thực hành, bạn cần:
- Ngồi thẳng lưng, thả lỏng vai.
- Hít vào từ từ bằng mũi trong khoảng 2 giây, đồng thời mím chặt môi.
- Thở ra từ từ bằng miệng trong khoảng 4 giây, môi chúm lại giống như thổi sáo.
- Sau đó, hãy lặp lại chu kỳ hít thở này.
Lưu ý: Trong khi tập bạn có thể thử hít sâu hơn 2 giây, tuy nhiên không nên quá sức. Nên thực hành thường xuyên, mỗi ngày khoảng 3 lần (5 - 10 phút/lần). Khi quen rồi, có thể dùng cách này khi cảm thấy khó thở.

Kỹ thuật thở bằng bụng

Đây là bài tập giúp tăng cường sức mạnh cho cơ hoành, khiến việc hít thở đạt hiệu quả mà không làm mệt mỏi các cơ hô hấp khác.
Để thực hành, bạn cần:
- Nằm hoặc ngồi xuống.
Thả lỏng cổ và vai, toàn thân thư giãn.
- Đặt một bàn tay lên bụng và tay còn lại đặt lên ngực.
- Hít vào từ từ bằng mũi trong khoảng 2 giây, đưa không khí xuống bụng sao cho bàn tay trên bụng cảm nhận được sự phình lên.
- Thở ra bằng miệng đồng thời hóp bụng lại dần. Thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào và bàn tay trên bụng có cảm giác lõm xuống.
- Lặp lại bài tập 5 - 10 lượt. Sau mỗi lượt nên thư giãn, thở tự nhiên trong 2 - 3 phút. Mỗi ngày thực hiện từ 1 - 2 lần.
Lưu ý: Không nên tập quá sức. Khi thành thạo, có thể tập cả ở tư thế đứng, đi hoặc khi đang làm việc mà không cần thao tác đặt tay lên bụng và ngực nữa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.