Bạn có biết cách tự kiểm tra ung thư vú?

09/08/2019 09:31 GMT+7

Ung thư vú là căn bệnh ác tính có tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu ở nữ giới.

Điều đáng mừng là đến 80% ung thư vú được phát hiện do phụ nữ tự kiểm tra.
Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều phụ nữ chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm ung thư vú nên vẫn còn nhiều trường hợp phát hiện ung thư vú đã ở giai đoạn muộn, khiến cho việc điều trị rất khó khăn, thậm chí là không thể chữa khỏi, theo Reader’s Digest.
Nhưng phát hiện sớm hoàn toàn có thể chữa trị khỏi bệnh.

Cách thực hiện như sau:

Sau đây là cách kiểm tra ngực để phát hiện sớm các dấu hiệu ung thư vú, theo Reader’s Digest.
Nên thực hiện việc tự kiểm tra mỗi tháng một lần, sau khi kết thúc kỳ kinh khoảng một tuần.
Nếu đã mãn kinh hoặc có kinh nguyệt không đều, hãy thực hiện kiểm tra vào cùng một ngày mỗi tháng.
Nằm xuống, kê một chiếc gối dưới vai phải và kẹp cánh tay phải ra sau đầu. Một số phụ nữ kiểm tra ngực khi tắm vì ngón tay ướt, có xà phòng trơn tru dễ thực hiện hơn.
Ấn mạnh từng vị trí, cảm nhận ngực phải bằng các ngón tay của bàn tay trái. Kiểm tra theo hình tròn từ giữa ra hoặc theo mô hình lên xuống, cho đến khi phủ kín toàn bộ vùng ngực. miết kỹ trên da xem có u sưng hay cục bất thường không.
Xong bên phải thì chuyển gối kê dưới vai trái, kẹp tay trái ra sau đầu và kiểm tra ngực trái bằng tay phải.
Tiếp theo, đứng trước gương với hai tay đặt lên hông, sau đó đưa lên cao và tìm xem có thấy khối u, nếp da uốn nhăn, vết lõm xuống như lúm đồng tiền, hoặc kiểm tra xem đầu ti có thụt vào khác thường không. Nhẹ nhàng bóp đầu ti để kiểm tra xem có tiết dịch hay không.
Nếu bạn cảm thấy một khối u, đừng hoảng sợ, đó không nhất thiết phải là khối u. Đó có thể chỉ đơn giản là một mô cứng không phải ung thư, được gọi là khối u xơ hoặc u nang lành tính - túi chứa đầy chất lỏng có thể gây đau. Hãy đi khám càng sớm càng tốt.
Mặc dù rất hiếm, nhưng nam giới cũng có thể bị ung thư vú. Các triệu chứng ban đầu bao gồm một khối u không đau, loét da và thay đổi núm vú như co rút và tiết dịch, có thể có máu, theo Reader’s Digest.

Chụp X-quang tuyến vú

Nguy cơ mắc ung thư vú tăng theo tuổi tác, nhưng điều bất cập là phụ nữ lớn tuổi lại hiếm khi chụp X-quang tuyến vú. Trong một cuộc khảo sát, hơn 50% phụ nữ trong độ tuổi từ 75 đến 85 chưa từng chụp X-quang tuyến vú.
Nếu bạn sợ tiếp xúc với bức xạ khi chụp X-quang tuyến vú, hãy xem so sánh này: một liều phóng xạ điều trị ung thư vú có cường độ vài nghìn đơn vị phóng xạ. Trong khi việc chụp X-quang tuyến vú mỗi năm đối với phụ nữ trong độ tuổi từ 40 đến 90, cường độ phóng xạ cho một lần chụp chỉ là 10 đơn vị, theo Reader’s Digest.

Ai cần chụp X-quang tuyến vú?

Phụ nữ ở độ tuổi từ 40 đến 49 và đặc biệt nếu "có nguy cơ cao" bị ung thư vú, nên bàn bạc với bác sĩ về chụp nhũ ảnh. Nếu bạn quyết định chụp X-quang tuyến vú, nên thực hiện hằng năm vì bệnh ung thư có xu hướng phát triển nhanh hơn ở phụ nữ trẻ.
Người có nguy cơ cao là người có tiền sử gia bị ung thư vú, bắt đầu chu kỳ kinh nguyệt sớm, mãn kinh muộn, sinh con lần đầu khi lớn tuổi hoặc chưa bao giờ sinh con, béo phì, uống rượu, bổ sung hoóc môn để điều trị các triệu chứng mãn kinh.
Số liệu y tế cho thấy, phụ nữ từ 40 đến 49 tuổi thường xuyên kiểm tra sàng lọc, sẽ có tỉ lệ phát hiện bệnh sớm khá cao.
Phụ nữ trên 64 tuổi cũng cần phải chụp X-quang tuyến vú định kỳ hai năm một lần, theo Reader’s Digest.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.