Kể từ ngày 15.3, quy định cho phép mang thai hộ bắt đầu được triển khai.
Kiểm tra trước khi cho trứng và tinh trùng kết hợp để tạo thành phôi bên ngoài cơ thể
trong điều trị vô sinh - Ảnh: Thanh Tùng |
Cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - là quy định được bổ sung trong luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi) được QH thông qua năm 2014.
3 bệnh viện được phép thực hiện
Bước đầu Bộ Y tế cho phép 3 bệnh viện (BV) được phép thực hiện mang thai hộ, gồm: BV Phụ sản T.Ư (Hà Nội), BV Phụ sản Từ Dũ (TP.HCM), và BV đa khoa T.Ư Huế. Theo các chuyên gia, vì đây là vấn đề mới, bước đầu chưa có nhiều người nhờ mang thai hộ, nên chỉ triển khai tại 3 BV để việc quản lý được chặt chẽ. Sau đó tùy vào nhu cầu thực tế sẽ mở rộng ra các BV khác.
Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, Giám đốc BV Phụ sản Từ Dũ, về chuyên môn kỹ thuật thì không có gì phải chuẩn bị, vì mang thai hộ và thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) về mặt kỹ thuật chuyên môn là như nhau. Các BV lâu nay có điều trị vô sinh đã quá thuần thục với các phương pháp TTTON; chỉ khác nhau về mặt thủ tục giấy tờ pháp lý.
Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cũng cho rằng mang thai hộ là giải pháp tốt cho các trường hợp vô sinh không thể chữa trị, là thể hiện tính nhân đạo, bởi tỷ lệ vô sinh ở nước ta khá cao - khoảng 7,7% các cặp vợ chồng ở độ tuổi sinh đẻ. Tuy nhiên luật nghiêm cấm mang thai hộ vì mục đích thương mại.
Ai được mang thai hộ ?
Trong luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) có những quy định ràng buộc pháp lý về mang thai hộ. Cặp vợ chồng có quyền nhờ người mang thai hộ khi có đủ các điều kiện sau: Có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi làm TTTON; Vợ chồng đang không có con chung; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý. Còn người được nhờ mang thai hộ phải có đủ các điều kiện sau: Là người thân thích cùng hàng của bên vợ (hoặc bên chồng) nhờ mang thai hộ; Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần duy nhất; Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của đơn vị y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ; Nếu người phụ nữ mang thai hộ đã có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của chồng; Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Luật cũng quy định, trong lúc đang mang thai hộ, chưa giao đứa trẻ mà cả hai vợ chồng bên nhờ mang thai hộ chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, thì bên mang thai hộ có quyền nhận nuôi đứa trẻ. Nếu bên mang thai hộ không nhận nuôi đứa trẻ thì việc giám hộ và cấp dưỡng đối với đứa trẻ được thực hiện theo quy định của luật này và bộ luật Dân sự. Vợ chồng nhờ mang thai hộ, người mang thai hộ và trẻ sinh ra được bảo đảm bí mật, riêng tư.
Có một điểm mở khác trong luật Hôn nhân gia đình (sửa đổi), đó là bỏ quy định tuổi trần ở người nhận tinh trùng, noãn, phôi. Trước đây người nhận tinh trùng, noãn, phôi quy định không quá 45 tuổi (đồng nghĩa với việc chị em phụ nữ quá 45 tuổi không được phép làm TTTON để điều trị vô sinh). Mở ra điểm này vì theo các chuyên gia, ngày nay đời sống nâng cao, sức khỏe chị em được nâng lên, có những phụ nữ ở tuổi 50 nhưng buồng trứng vẫn hoạt động tốt, nên việc bỏ giới hạn tuổi trong điều trị vô sinh là hợp lý.
|
Bình luận (0)