Người giàu trí tưởng tượng nhất cũng khó ngờ rằng trong hoạt động dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bát nháo hiện nay, một người không học hành gì, bỗng dưng biến thành “siêu sao”; bác sĩ chưa ra trường đã thành “giáo sư 25 năm kinh nghiệm ở nước ngoài”...
Chiều 7.11, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội nghị quản lý nhà nước về dịch vụ thẩm mỹ (DVTM) trên địa bàn TP. Hội nghị có sự tham dự của đại diện Sở LĐ-TB-XH, Sở TT-TT, đại diện Công an TP, UBND và phòng y tế 24 quận huyện, các bệnh viện thẩm mỹ (TM), phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ (PTTM), một số cơ sở DVTM trên địa bàn...
“Moi tiền” bằng mọi cách
Tại hội nghị, PGS-TS Lê Hành, Chủ tịch Hội PTTM TP.HCM và VN, cho rằng bác sĩ (BS) TM là những người chữa bệnh, làm lành những tổn thương tâm lý cho bệnh nhân (BN). Nhưng ông băn khoăn, hiện nay BS TM không gắn với BN mà còn xem nhẹ BN; thời gian gặp BN ít. “BS TM chỉ hỏi BN làm cái gì, giá cả bao nhiêu và đưa vào phòng mổ. BS phải xem BN như một khách hàng để phục vụ, đừng xem BN là “món hàng” để tìm mọi cách moi móc, tìm mọi cách lấy lời... Thật sự là BS TM làm để kiếm tiền nhiều hơn!”, PGS-TS Lê Hành nói, đồng thời đưa ra cảnh báo: “Nếu không kiểm soát được quảng cáo thì “thị trường TM” sẽ loạn”.
“Một người không học hành gì bỗng nhiên quảng cáo trở thành siêu sao; thành giảng viên đào tạo... BS mới ra trường, hoặc chưa ra trường nhưng ra ngoài đã trở thành “giáo sư 25 năm kinh nghiệm ở nước ngoài”. Thật kinh khủng và thật sự nguy hiểm cho tôn ti, trật tự ngành y, cho người hành nghề chân chính”, PGS-TS Lê Hành nói và đề nghị ngành y tế phải siết lại, không phải “mở bệnh viện ra là ai vào mổ cái gì cũng được”.
Bác sĩ thẩm mỹ liên kết... mổ “dạo”, mổ “chui”
Về tình hình sai phạm của các cơ sở DVTM, theo BS Nguyễn Văn Nguyên, Trưởng phòng Y tế Q.10, quá trình kiểm tra cơ sở DVTM trên địa bàn đã phát hiện nhiều sai phạm - nhiều nhất là tiêm chất làm đầy (filler), nhấn mí, cắt mí, truyền chất làm trắng… Một số cơ sở cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh không phép; quảng cáo không đúng quy định; kinh doanh mỹ phẩm không nguồn gốc xuất xứ và hết hạn dùng. Các cơ sở chăm sóc da thực hiện dịch vụ xâm lấn trá hình; liên kết các BS chạy “sô”, mổ “dạo”, mổ “chui”; đăng quảng cáo trên mạng không có giấy phép...
|
Mặt khác, theo BS Nguyên, việc xử phạt hành vi khám chữa bệnh của các cơ sở này rất khó xác lập, do cơ sở không thừa nhận hành vi, hủy chứng cứ vi phạm, không tiết lộ thông tin BS; một số chủ cơ sở né tránh đoàn kiểm tra, nhân viên thì đối phó. Thậm chí, có cơ sở DVTM còn gắn camera “theo dõi” đoàn kiểm tra, nên khi thanh tra đến thì không phát hiện sự việc trước đó vì các thủ thuật, kỹ thuật chỉ mất chừng 15 - 20 phút là xong.
Nghiêm cấm bệnh viện cho thuê phòng mổ
Theo BS Nguyễn Thị Thoa, Phó phòng Nghiệp vụ y Sở Y tế TP, hiện DVTM có 2 loại hình. Loại hình có giấy phép hoạt động gồm 15 bệnh viện TM, 10 phòng khám TM trong các bệnh viện đa khoa (được phép phẫu thuật gây mê); 186 phòng khám chuyên khoa TM (được phép thủ thuật gây tê, dùng thuốc). Loại hình DVTM (spa, thẩm mỹ viện) không cần giấy phép hoạt động nhưng phải có báo cáo điều kiện hoạt động cho Sở Y tế, ước tính có 1.398 cơ sở. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 8 cơ sở báo cáo với Sở. 9 tháng năm 2019, số lượt đến bệnh viện TM là 33.942 ca, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018.
“BS TM không quan tâm đến thủ tục hành chính, như không tường trình phẫu thuật, cam kết của người bệnh, không thể hiện tư vấn, không thể hiện khám tiền gây mê. Nhiều BS nói sau mổ cứ 40 phút khám/lần nhưng hồ sơ bệnh án thể hiện 5 tiếng đồng hồ không khám lại BN. Việc không tuân thủ quy trình, quy định dẫn đến khi xảy ra sự cố thì bệnh viện, BS rối hết lên vì không biết phải làm gì”, BS Thoa nói.
Còn theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, các sự cố liên quan đến PTTM thời gian qua đều có vấn đề trong gây mê hồi sức. Lãnh đạo Sở Y tế yêu cầu các bệnh viện TM sử dụng người hành nghề phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp, có văn bản phân công; có giấy cho phép của bệnh viện nơi BS công tác. Đặc biệt, BS TM không được cho mượn chứng chỉ hành nghề; bệnh viện TM không được cho thuê phòng mổ. Nếu cho người khác sử dụng phòng mổ, khi sự cố y khoa xảy ra, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. “Một sự cố y khoa xảy ra thì lỗi cá nhân chỉ 30%, còn bệnh viện là 70%”, PGS-TS Tăng Chí Thượng nói.
Về giải pháp quản lý, theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, quan trọng nhất là thêm kênh phản ánh từ người dân; đồng thời các cơ quan quản lý nhà nước cần phản ứng nhanh; áp dụng công nghệ (người dân chụp hình gửi qua ứng dụng cho Sở Y tế để Sở báo cho Phòng y tế xuống ngay hiện trường). Nếu sự việc có tính phức tạp, Sở Y tế cần sự phối hợp của Công an TP.
“Sở Y tế cũng đã công khai bệnh viện TM, phòng khám TM về điểm chất lượng và sự cố y khoa, xử phạt trên cổng thông tin điện tử Sở Y tế để người dân lựa chọn”, PGS-TS Tăng Chí Thượng cho biết. Nhưng theo PGS-TS Thượng, vấn đề nhức nhối hiện nay là hành nghề không phép và quảng cáo sai sự thật trên mạng. Sở Y tế sẽ kiến nghị khi sửa luật Khám bệnh, chữa bệnh, theo hướng cần tăng mức xử phạt để mang tính răn đe hơn; cần có sự phối hợp liên ngành để kiểm tra, xử lý sai phạm.
Kỹ thuật y khoa được thực hiện ở... tiệm tạp hóa, tiệm hớt tócTheo báo cáo của Sở Y tế TP, hiện nay việc thực hiện các kỹ thuật “xâm lấn vào da” trong y khoa còn được thực hiện ở cả các tiệm tạp hóa, tiệm hớt tóc, khu chung cư. Bên cạnh đó, các nơi này còn sử dụng thiết bị y tế không rõ nguồn gốc, chỉ định kê toa cho khách hàng thuốc giảm cân... Về phía khách hàng, một số người dân thấy rẻ, đơn giản là làm, không quan tâm đến yếu tố an toàn. “Việc thực hiện kỹ thuật xâm lấn tại các cơ sở không phép có thể bị lây nhiễm viêm gan B, C, HIV, thậm chí có thể tử vong”, Sở Y tế khuyến cáo.
|
Bình luận (0)