Bị giun đũa chó điều trị ra sao?

31/07/2009 15:00 GMT+7

Em có người bạn bị ngứa khắp tay chân. Đi xét nghiệm máu ở ĐH Y dược TP.HCM cho kết quả âm tính với giun đũa chó (Toxocara sp) nhưng xét nghiệm ở Pasteur thì kết quả dương tính. Bạn em đã quay lại ĐH Y dược và được cho toa thuốc là Albendazole, liều điều trị 400mg/2 lần/ngày liên tục trong 21 ngày.

* Trong thời gian điều trị cảm giác ngứa khắp người vẫn còn nhưng không thường xuyên. Hai tháng sau người bạn mới lên xét nghiệm lại thì vẫn cho kết quả dương tính với giun đũa chó Toxocara sp. Xin hỏi có thể điều trị dứt hẳn bệnh này ở bệnh viện nào? Naruto

- Toxocara sp là tên chung, đó có thể là giun đũa chó (Toxocara canis) hay giun đũa mèo (Toxocara cati). Riêng giun đũa chó không sống ký sinh ở người, chỉ ấu trùng của nó có thể nhiễm qua người (người là ký chủ tình cờ), nhưng ấu trùng này không thể tiếp tục phát triển thành con giun trưởng thành được. Vì vậy, bệnh giun đũa chó được gọi là bệnh ký sinh trùng lạc chỗ. Ấu trùng giun đũa chó khi lạc chỗ nhiễm qua người sẽ di chuyển nhiều nơi gây rối loạn ở các cơ quan nội tạng khác nhau và có những biểu hiện lâm sàng, đặc biệt ở da thì gây nổi dát đỏ, mề đay, ngứa.

Albendazole là thuốc lựa chọn điều trị giun đũa chó và giun đũa mèo nhiễm sang người. Liều dùng 400mg/2 lần/ngày dùng liên tục năm ngày đã đủ diệt hai loại ký sinh trùng vừa kể. Vì vậy, nếu dùng liều 400mg/2 lần/ngày trong 21 ngày chắc chắn sẽ diệt được mầm bệnh nếu thật sự bị nhiễm.

Với kết quả xét nghiệm mầm bệnh là ký sinh trùng, vẫn có trường hợp ghi nhận là dương tính giả và âm tính giả. Trong thực tế vẫn xảy ra xét nghiệm cho thấy kết quả giả như vừa kể. Thông thường để xác định bệnh phải kết hợp kết quả xét nghiệm và các triệu chứng lâm sàng. Một triệu chứng lâm sàng của nhiễm giun đũa chó là dị ứng ngoài da gây ngứa, nhưng biểu hiện đó có thể do một chất gây dị ứng nào khác (từ thức ăn, môi trường...).

Vì thế, việc xác định nhiễm một mầm bệnh nào đó, đặc biệt là ký sinh trùng, có thể gặp khó khăn và việc điều trị có khi một hai lần sẽ không dứt hẳn. Trường hợp của bạn nên trở lại tái khám bác sĩ trước đây đã điều trị bệnh nhiễm giun đũa chó. Là người theo dõi trực tiếp, bác sĩ sẽ cho hướng điều trị thích hợp. Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM... đều có chữa bệnh nhiễm giun đũa chó.

Hiện nay nhiễm bệnh ký sinh trùng lạc chỗ là vấn đề lớn với sức khỏe cộng đồng. Vì vậy ta nên lưu ý đến việc nuôi chó mèo thật vệ sinh để tránh bị ô nhiễm phân chó mèo.

Theo PGS.TS NGUYỄN HỮU ĐỨC / Tuổi Trẻ
 (ĐH Y dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.