Biến đổi gien gà để lấy trứng chống ung thư

29/01/2019 14:12 GMT+7

Bất chấp thành công của nghiên cứu, các nhà khoa học tin rằng phải mất từ 10 đến 20 năm trước khi cơ quan quản lý chấp thuận cho con người sử dụng bất kỳ loại thuốc nào được phát triển từ gà biến đổi gien.

Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí BMC Biotech đem lại hi vọng về một tương lai giá thuốc rẻ hơn nhiều lần so với hiện tại. Tất cả bắt đầu khi nhóm nghiên cứu Đại học Edinburgh (Anh) ghép một gien người vào DNA của gà.
Sau đó, họ phát hiện trong trứng gà biến đổi gien có một lượng đáng kể hai loại protein được sử dụng để điều trị các bệnh bao gồm cả ung thư ở người. Đó là IFNalpha2a - có tác dụng chống vi rút và chống ung thư, và một loại protein khác gọi là macrophage-CSF - liên quan đến việc sản xuất tế bào bạch cầu.
Thực tế, thuốc chứa protein nói trên được các bác sĩ sử dụng rộng rãi để điều trị ung thư và các bệnh khác, nhưng việc sản xuất protein trong phòng thí nghiệm rất khó khăn và tốn kém. Vì gà có khả năng đẻ tới 300 quả trứng mỗi năm, các nhà khoa học cho rằng phương pháp này sẽ cung cấp một con đường làm ra protein rẻ hơn so với các phương pháp hiện có.
Nhà nghiên cứu Lissa Herron nói với BBC: "Sản xuất (protein) từ gà có thể có giá thấp hơn từ 10 đến 100 lần so với các nhà máy”.
Mặc dù kết quả nghiên cứu đầy hứa hẹn, các nhà khoa học tin rằng phải mất từ 10 đến 20 năm nữa trước khi các cơ quan quản lý chấp thuận cho con người sử dụng bất kỳ loại thuốc nào được phát triển từ gà biến đổi gien.
Giáo sư Helen Sang phát biểu trên Independent: “Chúng tôi chưa sản xuất thuốc cho người, nhưng nghiên cứu này chỉ ra gà có khả năng thương mại để sản xuất protein phù hợp cho nghiên cứu khám phá thuốc và các ứng dụng khác trong công nghệ sinh học”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.