Khi không đủ sắt, nhiều cơ quan, quá trình chuyển hóa trong cơ thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt. Mặc dù không gây ảnh hưởng đến tính mạng nhưng sẽ để lại những tác hại khó lường nếu không khắc phục kịp thời.
Biến chứng nguy hiểm
Sắt là khoáng chất cần thiết đối với các cơ quan trong cơ thể, tủy xương cần sắt để tạo ra tế bào hồng cầu. Sắt cũng giúp cơ bắp dự trữ và sử dụng ôxy. Khi bị thiếu máu thiếu sắt, lượng ôxy vận chuyển trong cơ thể sẽ giảm xuống dẫn đến giảm năng lực, trí lực và thể lực. Trong đó, hoạt động của tim mạch, não bộ và thai nhi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Tim mạch: Thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc bất thường. Khi đó, tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu ôxy mang trong máu khi đang bị thiếu máu. Ở những người bị bệnh động mạch vành - thu hẹp của động mạch cung cấp máu cho cơ tim - không được kiểm soát thiếu máu có thể dẫn đến đau thắt ngực.
Thai sản: Thiếu máu tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con. Vì vậy, người ta đã coi thiếu máu thiếu sắt trong thời kỳ thai nghén là một đe dọa sản khoa. Theo Tổ chức y tế thế giới WHO, hiện có khoảng 30% dân số thế giới bị thiếu máu, chủ yếu là thiếu máu do thiếu sắt. Phụ nữ và trẻ em là những đối tượng bị thiếu máu thường gặp nhất. Điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy 36,8% phụ nữ mang thai và 28,8% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại Việt Nam thiếu máu thiếu sắt.
Trí tuệ: Thiếu máu do thiếu sắt làm giảm 10-30% năng suất lao động do khả năng tư duy và nhận thức của não bộ đều bị giảm sút. Thực hiện nghiên cứu trên 5.400 em từ 6 đến 16 tuổi, các nhà khoa học Mỹ thấy rằng khi làm bài kiểm tra toán, các em thiếu sắt có khuynh hướng bị điểm dưới trung bình cao gấp hai lần so với các em khác. Các em bị thiếu sắt sẽ kém tập trung, hay ngủ gật trong giờ học, học bài khó nhớ, mau quên. Cơ bắp không đủ ôxy nên các em sẽ mau mệt khi hoạt động thể lực.
Kiểm soát bằng cách nào
Để phòng ngừa bệnh thiếu máu thiếu sắt, mỗi người cần chủ động bổ sung sắt kịp thời cho cơ thể theo nhiều dạng khác nhau bằng con đường ăn uống hay uống thêm viên sắt ở những đối tượng có nguy cơ cao. Theo các chuyên gia, chất sắt trong thức ăn có 2 dạng, sắt dưới dạng “hem” tức là sắt gắn với hemoglobin có trong thức ăn có nguồn gốc động vật. Dạng sắt hemoglobin được cơ thể hấp thu từ 10-30%.
Dạng thứ hai là sắt không “hem” tức là sắt trong thức ăn thực vật như trong đậu, củ, rau, gạo lức… có tỉ lệ hấp thu thấp nhưng nếu kết hợp với Vitamin C, chất đạm thì sẽ tăng khả năng hấp thu. Vì vậy, nếu thực đơn của người nào ít thức ăn động vật, đặc biệt là những người ăn chay cần bổ sung nhiều thực phẩm giàu Vitamin C để tăng khả năng hấp thu sắt. Tốt nhất là cân đối bữa ăn đủ dinh dưỡng và đa dạng thực phẩm.
Các bạn gái trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản là những đối tượng dễ bị thiếu máu thiếu sắt nhiều nhất do mất máu theo chu kỳ. Vì thế nên uống bổ sung viên sắt mỗi tuần một viên để bù đắp lượng sắt bị mất. Nên chọn chế phẩm chứa sắt ở dạng muối fumarate sẽ hạn chế tác dụng phụ bị táo bón thường gặp khi uống sắt, đồng thời sắt fumarate cũng được cơ thể hấp thụ tốt hơn. Có thể uống chung viên sắt với vitamin C, nước cam để tăng khả năng hấp thu sắt của cơ thể.
Theo khuyến cáo của Bộ Y Tế, bé gái trong độ tuổi dậy thì và phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, do có sự mất máu qua chu kì kinh nguyệt nên cần được uống viên sắt dự phòng, mỗi tuần uống một viên sắt tương đương với 60mg sắt nguyên tố (viên sắt có thể kèm các yếu tố tạo máu khác như acid folic, vitamin B12…).
|
Khả My
Bình luận (0)