Cách nhận biết nhiễm cúm A/H1N1

28/06/2018 08:12 GMT+7

Cúm A/H1N1 là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính lây lan nhanh và có thể gây tử vong.

Vi rút “thích” hồ bơi
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm A/H1N1 thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân, nhưng khác với cúm mùa thông thường - chỉ tấn công vào các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi và thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Vi rút cúm A/H1N1 tồn tại khá lâu ngoài môi trường, có thể sống từ 24 - 48 giờ trên các bề mặt như bàn ghế, tủ, tay vịn cầu thang...; tồn tại trong quần áo từ 8 - 12 giờ và “sống” được 5 phút trong lòng bàn tay.
Đáng lưu ý, không chỉ dễ dàng tồn tại trong môi trường không khí ẩm, vi rút này đặc biệt sống lâu trong môi trường nước; có thể sống được đến 4 ngày trong môi trường nước ở nhiệt độ khoảng 22 độ C và sống đến 30 ngày ở nhiệt độ 0 độ C. Do đó, các hồ bơi trong các khách sạn cũng có thể tạo ra môi trường cho vi rút phát triển, nhất là khi tiết trời mưa dầm, thiếu ánh nắng để diệt vi rút.
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết bệnh cúm A/H1N1 lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa vi rút rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
“Người mang vi rút cúm A/H1N1 có khả năng truyền vi rút cho những người xung quanh. Bệnh lây lan mạnh, nhanh khi có sự tiếp xúc gần với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ, bệnh viện...”, ông Phu lưu ý.
Chuyên gia y tế dự phòng khuyên: duy trì vệ sinh và mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc; lau chùi bề mặt, vật dụng bằng hóa chất sát khuẩn thông thường là biện pháp hiệu quả để ngăn chặn vi rút tồn tại và lây lan.
Phòng nhiễm vi rút cúm A/H1N1
Tăng cường vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng và mũi khi ho, hắt hơi. Nên tự theo dõi sức khỏe hằng ngày, nếu có biểu hiện sốt, ho, đau họng… cần thông báo cho trường học, cơ quan, đoàn thể nơi đang học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Không tự ý sử dụng thuốc, đặc biệt là thuốc kháng vi rút, phải tuân theo hướng dẫn của thầy thuốc.
Tránh tiếp xúc với người mắc hoặc nghi mắc cúm, đặc biệt lưu ý phòng nhiễm cúm với những người có bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ em.
(Nguồn: Cục Y tế dự phòng)
Vi rút luôn “làm mới” bản thân
Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm thể A là thể thường xuyên có sự biến đổi và có thể tạo thành các chủng vi rút có độc lực cao, sự lây truyền rộng rãi nên ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.
Với 16 loại kháng nguyên (H) và 9 loại kháng nguyên (N), vi rút cúm A có thể có nhiều loại phân thể cúm (có thể tới 144 loại), ví dụ như: H1N1, H2N2, H3N2, H5N1, H7N9, H5N6, H9N2, H5N2, H5N3, H5N8…
Thế giới đã ghi nhận một số phân thể cúm A đã gây đại dịch cúm như: H2N2, H3N8, H3N2, H1N1. Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới, đặc tính biến đổi thường xuyên của các chủng vi rút cúm là rất đáng quan tâm, các gien của vi rút cúm có thể tái tổ hợp để tạo thành các chủng vi rút cúm đe dọa cho sức khỏe con người, việc tiêm phòng cúm nên được thực hiện hằng năm.
Nhận biết bệnh cúm A/H1N1
Theo ông Phu, bệnh có biểu hiện sốt trên 38 độ C, ho, đau họng, sổ mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi. Một số trường hợp nặng có thể suy hô hấp và dẫn đến tử vong. Bệnh cúm A/H1N1 có triệu chứng giống với cúm thông thường, chỉ có thể chẩn đoán xác định bằng cách lấy dịch mũi họng tại cơ sở y tế để xét nghiệm.
Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.