Chủ quan không thăm khám
Bà N.T.H (52 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bị đau ngực trái từ 3-4 năm nay, nhưng mức độ đau chỉ là thỉnh thoảng nhói nhẹ. Vì thế bà nghĩ đó chỉ là những rối loạn thông thường ở người cao tuổi chứ không hề nghĩ đến bệnh của tim. Thực tế, bà H. vẫn đi đứng, làm việc bình thường.
|
Năm ngoái, bà H. bị một cơn đau nặng phải nằm ở nhà. Con cái lo lắng giục đưa bà đi khám, nhưng bà không chịu. Gần đây, trong lúc đi du lịch, đường xa, trời nắng, đi lại nhiều, lại phải leo bậc thang khiến bà mệt mỏi, ngực thắt lại, mắt hoa lên, bà nằm lăn ra bất tỉnh. Bà H. được đưa đến Bệnh viện 103, Hà Nội. Kết quả chụp cắt lớp cho thấy động mạch vành nhánh trái của bà bị vữa xơ, trên bản ghi điện tim, bà bị thiếu máu cơ tim vùng trước bên, diện rộng...
Đáng ngại khi bệnh không biểu hiện
Bệnh mạch vành là tình trạng hẹp hoặc tắc động mạch vành gây ra thiếu máu cơ tim cục bộ hay nhồi máu cơ tim. Cần biết, cơ tim vô cùng nhạy cảm với thiếu máu. Chỉ cần một thiếu máu nhỏ cũng có thể gây đau, chỉ cần một thiếu máu trong một thời gian ngắn cũng có thể gây ra hoại tử.
Đau ngực là dấu hiệu sớm nhất, dễ nhận thấy nhất của bệnh mạch vành. Thông thường thì khi mạch vành bán tắc hoặc tắc gần như hoàn toàn thì chúng ta sẽ có cảm giác đau ngực trái. Cơn đau này được gọi là cơn đau thắt ngực: đau bên ngực trái, đau như thắt bóp, đè ép tim. Đau có xu hướng lan lên vai trái, xuyên ra sau lưng và lan xuống cánh tay trái.
Nhưng không phải mọi trường hợp bệnh mạch vành đều đau ngực trái rõ ràng, mà nhiều khi chỉ có biểu hiện một cảm giác nhói bên ngực trái hoặc đau rất nhẹ. Nhiều trường hợp mạch vành bị hẹp lại thực sự, cơ tim bị thiếu máu thực sự nhưng lại hầu như không có hoặc có rất ít triệu chứng. Trường hợp này thuộc dạng bệnh thiếu máu cơ tim thầm lặng hay thể câm. Thể này là thể đáng ngại nhất vì dễ gây ra tử vong nhất do người bệnh không chú ý đề phòng.
Vì thế, với bất kỳ dạng nào của bệnh mạch vành, chúng ta tuyệt đối không nên coi thường, phải để ý những cơn đau ngực trái. Nhất là những người tuổi cao, nghiện rượu, hút thuốc lá, béo phì, có tiền sử bệnh mạch vành, tăng huyết áp thì cần đi khám bệnh cẩn thận.
BS Yên Lâm Phúc
Bình luận (0)