Cẩn trọng với phản ứng muộn sau tiêm vắc xin ComBE Five

15/01/2019 10:48 GMT+7

Khoảng 2,5% trẻ sau tiêm vắc xin ComBE Five có sốt, sưng tại vết tiêm. Ngoài ra, cần lưu ý phản ứng nặng xuất hiện muộn (24 - 48 giờ) sau tiêm.

Tăng cường bác sĩ khám sàng lọc

Sau khi xảy ra trường hợp bé gái hơn 2 tháng tuổi tại Hà Nội tử vong sau tiêm vắc xin ComBE Five chưa rõ nguyên nhân (hôm 10.1), đại diện Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, để đảm bảo tiêm vắc xin an toàn, hiệu quả, giám đốc sở Y tế các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo triển khai ngay một số nội dung quan trọng, trong đó, tổ chức tập huấn ngay cho cán bộ y tế của các cơ sở tiêm chủng cũng như cán bộ y tế tuyến huyện chưa được tập huấn, hoặc đã được tập huấn nhưng chưa thuần thục về khám sàng lọc. Đặc biệt là xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng theo hướng dẫn tại Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29.12.2017 của Bộ Y tế, về hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), đặc biệt lưu ý chỉ những cơ sở tiêm chủng có cán bộ y tế đã được tập huấn và có kỹ năng về xử trí, cấp cứu sau tiêm chủng mới được tiến hành tiêm chủng.
100% cơ sở tiêm chủng phải có phác đồ xử trí phản vệ và được treo tại điểm tiêm chủng; Cử cán bộ có trình độ chuyên môn  từ tuyến trên xuống tăng cường cho các trạm y tế xã, phường trong việc khám sàng lọc, cấp cứu và xử trí sau tiêm chủng, đặc biệt là những trạm y tế không có bác sĩ hoặc những xã, phường khó khăn.
Cần lưu ý theo dõi phản ứng xuất hiện muộn trong 48 giờ sau tiêm vắc xin ComBE Five Ảnh tư liệu tiêm chủng mở rộng quốc gia
Ông Phu cho rằng, các địa phương cần huấn luyện lại cho các nhân viên y tế tại các cơ sở tiêm chủng về việc tư vấn cho các bà mẹ biết cách theo dõi trẻ sau tiêm chủng, phát hiện các triệu chứng bất thường của trẻ như sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật, sưng đau tại chỗ tiêm... để đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất khám, xử trí, cũng như cấp cứu kịp thời

Cẩn trọng với phản ứng muộn sau tiêm

Các chuyên gia tiêm chủng lưu ý, thực tế phản ánh từ gia đình có trẻ nhập viện sau tiêm vắc xin cho thấy, trong quá trình giám sát sau tiêm tại trạm y tế xã không thấy biểu hiện bất thường nhưng đã có các trường hợp phản ứng nặng khi trẻ đã về nhà, trong đó có trường hợp trẻ tử vong sau tiêm là các trường hợp xảy ra trong 24 - 48 giờ đầu sau tiêm.
“Chúng tôi đặc biệt lưu ý các gia đình cần theo dõi diễn biến sức khỏe của trẻ sát sao trong 48 giờ đầu sau tiêm. Nếu trẻ có các các biểu hiện nặng như: sốt cao, tím tái, trẻ mệt, li bì, bỏ bú, hoặc bất kỳ những tình huống nào mà gia đình thấy không an tâm, cần đưa đến cơ sở y tế, bệnh viện gần nhất”, ông Phu nói.
Theo Cục Y tế dự phòng, ngoài phản ứng sau tiêm thông thường như sốt nhẹ, sưng đau nhẹ tại chỗ tiêm, các triệu chứng khác như khó chịu, quấy khóc... với tỷ lệ khoảng 2,5%, cũng đã ghi nhận một số trường hợp trẻ sốt cao, quấy khóc kéo dài, co giật xảy ra tại một số địa phương, với tỷ lệ khoảng 0,05%.
Khi trẻ có biểu biện bất thường về sức khỏe như sốt cao trên 39 độ C, quấy khóc kéo dài, tím tái, phát ban, ly bì,… các gia đình phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.
Các số điện thoại hỗ trợ giải đáp về tiêm chủng: 0981.480.480; 0243 8213764; 0936255696.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.