Cảnh báo độc tố chết người của hoa đẹp, quả ‘lạ’

23/12/2018 16:03 GMT+7

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết độc tố ở một số loài cây, hoa, quả mọc tự nhiên hoặc được trồng để trang trí có thể gây độc rất nặng, thậm chí tử vong khi vào cơ thể.

Độc tố tự nhiên

Cơ quan y tế từng ghi nhận một số vụ ngộ độc do ăn các loại quả của một số loài cây, hoa. Trong đó, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Tuyên Quang từng tiếp nhận cùng lúc 5 bệnh nhi từ 3 - 11 tuổi vào cấp cứu do ngộ độc hạt thầu dầu. Các trẻ này đã tự hái một chùm quả lạ để chia nhau ăn. Sau khi ăn vài giờ, tất cả bị đau bụng, buồn nôn, nôn, được đưa đến BV cấp cứu. Các bác sĩ cho biết chỉ cần nhai một hạt thầu dầu đã bị nôn mửa, trẻ em ăn 3 - 4 hạt có thể tử vong. Sau ăn hạt thầu dầu, người ăn thường có các triệu chứng: đau bụng, nôn nhiều, trường hợp nặng có nôn ra máu; tiêu chảy phân lỏng, nhiều lần; có các dấu hiệu mất nước; rối loạn tri giác, liệt dây thần kinh sọ não; gan to, vàng da, suy gan; tiểu ít, suy thận; tụt huyết áp... nặng nhất là tử vong.
Theo Cục An toàn thực phẩm (ATTP), một số các loài cây, hoa có chứa các hợp chất có khả năng gây ngộ độc thường gặp khi ăn phải như: lá ngón, cà độc dược; trúc đào; cây thông thiên; cây đai vàng (dây huỳnh, huỳnh anh); cây bông tai; cây thầu dầu; cây ngô đồng… Các cây này mọc hoang dại hoặc một số cây được trồng làm cảnh do có hoa đẹp. Tuy nhiên các cây này có chứa chất gây độc cho cơ thể người và động vật. Ăn phải cây có chứa độc tố tự nhiên này có thể gây ra các triệu chứng đối với cả đường ruột và tim mạch. Tùy loại độc tố, các triệu chứng ngộ độc, nhiễm độc có thể biểu hiện ở đường tiêu hóa (buồn nôn và nôn mửa, đau bụng); gây các triệu chứng đường tim mạch bao gồm loạn nhịp tim, đôi khi với đặc trưng là đầu tiên nhịp nhanh, loạn nhịp, trụy mạch. Các tác động do ngộ độc loài cây này cũng có thể tác động tới hệ thần kinh trung ương (đau đầu). Nguyên nhân do trong các loài cây, hoa này được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại có chứa các hợp chất hữu cơ có khả năng gây độc cho cơ thể khi ăn phải.

Cẩn trọng với quả dại, “ngon mắt”

Cục ATTP cho biết thêm, đã có các trường hợp bị ngộ độc quả hồng trâu. Đây là loại cây dây leo quả tròn to gần bằng quả trứng gà, vỏ nhẵn mượt. Quả non vỏ màu xanh nhạt và khi chín chuyển sang màu tím và hơi mềm. Quả hồng trâu chín trông khá ngon mắt. Phía trong có lớp vỏ màu hồng, mỗi quả có từ 4 - 6 hạt, các hạt có một lớp cùi màu trắng đục, bên trong cùi có một hạt to bằng hạt ngô có màu tím và hơi dẹp. Các trẻ khi tự do vui chơi không biết quả độc nên có thể rủ nhau hái ăn. Ngay cả người lớn cũng đã có các ca ngộ độc, tử vong do ăn hồng trâu. Ngoài ra, đã ghi nhận học sinh ngộ độc phải nhập viện do ăn quả ngô đồng.
Cục ATTP cũng lưu ý các nhà trường cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Tập trung truyền thông các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc đối với các loại độc tố tự nhiên. Tuyệt đối không sử dụng bất kỳ bộ phận của cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc hoặc nghi ngờ để ăn uống.
Các cơ quan, trường học nên loại bỏ và không trồng các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc được trồng làm cảnh hoặc mọc hoang dại trong khuôn viên đơn vị. Nếu phải trồng với mục đích học tập, nghiên cứu thì cần có biển cảnh báo và các biện pháp kiểm soát an toàn phù hợp đối với mỗi cây, hoa này. Thường xuyên giám sát, phát hiện sớm những vấn đề bất thường về sức khỏe nghi ngờ do ăn phải các loài cây, hoa có chứa các hợp chất gây độc và thông báo với cơ sở y tế gần nhất để xử lý kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.