Tắc ruột do bã thức ăn
Chị N.B.H (43 tuổi, ngụ tại TP.HCM) trước khi nhập viện 3 ngày đã ăn liên tục… hơn 3 trái ổi khi đang đói bụng. Sau đó, chị cảm thấy khó chịu, đau bụng quặn từng cơn, chướng bụng. Chị H. đã ra tiệm thuốc gần nhà mua thuốc đau bụng về uống. Tuy nhiên, những cơn đau bụng vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn.
tin liên quan
Hi hữu ca bệnh tắc ruột do búi xương cáSau 3 ngày, thấy tình hình bất ổn, bụng chướng và đau quặn bụng càng thêm nặng, chị H. đã được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD) để khám.
Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm hình ảnh học, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị tắc ruột nghi do bã thức ăn.
Đánh giá trường hợp tắc ruột của chị H. đã nghiêm trọng, các bác sĩ phải phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh. Khối bã thức ăn có kích thước 5x5 cm được gắp ra khỏi ruột người bệnh bằng phương pháp phẫu thuật nội soi.
Sau phẫu thuật, chị H. đã hết đau bụng, ăn uống bình thường và xuất viện sau 3 ngày. Chị cũng được bác sĩ khuyến cáo nên tích cực vận động để tránh nguy cơ dính ruột sau phẫu thuật, cũng như chú ý đến thói quen ăn uống để tránh lặp lại tình trạng tắc ruột.
Nguy hiểm khó lường
tin liên quan
Sỏi túi mật - căn bệnh thầm lặng mà nguy hiểm ít ai ngờTiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Hữu Thịnh, Trưởng Phòng Khoa học và Đào tạo, BV ĐHYD, cho biết: “Các nguyên nhân gây tắc ruột phổ biến là do dính ruột sau mổ ổ bụng, do ung thư, do bã thức ăn… Trong đó, tắc ruột do bã thức ăn ít gặp hơn các nguyên nhân khác và thường xảy ra ở người già vì khả năng nhai, nghiền nát thức ăn bằng răng kém, hoặc người có tiền sử đã cắt một phần dạ dày”.
Khối bã thức ăn gây tắc ruột có thể hình thành bởi thực phẩm có nhiều chất tannin, có nhiều chất bã xơ. Một số loại thức ăn nếu ăn nhiều dễ gây tắc ruột như: hồng, xoài xanh, ổi, măng khô, rau muống, mít, bắp...
Đặc biệt, ăn trái cây khi bụng đói dễ dẫn đến nguy cơ tắc ruột. Do khi đói, dạ dày còn trống rỗng, nồng độ HCl cao, một số trái cây có nhiều chất xơ, có nhiều nhựa, dễ bị kết tủa, làm kết dính các sợi xơ thực vật, tạo thành khối bã rắn chắc. Kèm theo, thói quen ăn quá nhanh, nhai không kỹ cũng góp phần dẫn đến nguy cơ gây tắc ruột do bã thức ăn.
tin liên quan
Ung thư đại trực tràng phổ biến nhưng có đáng sợ?Theo bác sĩ Thịnh, khi bị tắc ruột, người bệnh sẽ có những triệu chứng: buồn nôn, ói, không thể đại tiện hoặc trung tiện, đau bụng quặn từng cơn (có thể đau liên tục không giảm), chướng bụng.
“Đa phần các trường hợp tắc ruột đều cần phẫu thuật cấp cứu. Nếu không được điều trị hợp lý, người bệnh tắc ruột có nguy cơ thiếu máu ruột, vỡ ruột, rối loạn điện giải, nhiễm trùng ổ bụng, nhiễm trùng máu và thậm chí tử vong”, bác sĩ Thịnh đánh giá.
Thạc sĩ - bác sĩ Trần Đức Huy, Khoa Ngoại Tiêu hóa, BV ĐHYD, khuyến cáo thêm: Nếu có các triệu chứng đau, chướng bụng bất thường, người bệnh không nên tự ý mua thuốc uống. Thay vào đó, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế uy tín để làm các xét nghiệm giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh, tránh những hậu quả đáng tiếc do tự ý điều trị hoặc chậm trễ đến bệnh viện.
Bên cạnh đó, để tránh nguy cơ tắc ruột do bã thức ăn, ở người lớn tuổi và người bệnh mới phẫu thuật ổ bụng (đối tượng có nguy cơ cao bị tắc ruột) cần được quan tâm, chăm sóc kỹ lưỡng trong chế độ ăn uống hằng ngày, thức ăn phải được nấu chín, ninh nhừ, nhai kỹ khi ăn; mọi người nên tránh ăn quá nhiều thức ăn khó tiêu, tránh ăn thức ăn có chất xơ (rau củ, trái cây) với lượng quá nhiều cùng một lúc, đặc biệt là khi bụng đói; uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước/ngày; tập thể dục đều đặn để giúp ruột được kích thích, dễ dàng co bóp và lưu thông tốt...
Bình luận (0)