Hai tuần qua, các bệnh viện (BV) chuyên khoa nhi ở TPHCM đã tiếp nhận nhiều trẻ em đến điều trị bệnh Kawasaki – căn bệnh trước đây vốn rất hiếm gặp. Bệnh nhi mới nhất là bé H.T.K (14 tháng tuổi, ngụ quận Phú Nhuận-TPHCM), nhập viện vào ngày 9-1.
Số ca bệnh tăng nhiều
Phòng 301 Khoa Tim mạch BV Nhi Đồng 1 (TPHCM) là nơi chuyên điều trị bệnh Kawasaki. Phòng có khoảng 10 giường, đến sáng 14-1, mỗi giường đã có 3 trẻ nằm điều trị, một số khác phải trải chiếu nằm trên nền nhà.
Theo TS-BS Vũ Minh Phúc, trưởng khoa, trước đây thỉnh thoảng mới có một ca bệnh Kawasaki được đưa vào đây điều trị nhưng trong năm 2009, khoa đã tiếp nhận điều trị trên 100 ca.
Bà Nguyễn Thị Hoàng (Tây Ninh) có đứa cháu gái vừa mới chào đời chưa kịp đặt tên đã bị mắc bệnh Kawasaki. Bà cho biết hiện cháu bà đã qua cơn nguy kịch. Khi mới sinh, cháu có điều khác lạ là hay bị tím tái, được đem đến BV Nhi Đồng 1 điều trị hơn một tháng qua.
“Bác sĩ bảo cháu bị mắc bệnh tim, phổi, nhiễm trùng máu và mắc thêm bệnh Kawasaki. Gia đình cả tháng nay phải thay phiên túc trực để chăm, rất khổ sở” - bà Hoàng nói.
Trước khi trở về nhà, vợ chồng anh Nguyễn Đức Trung (ngụ TP Biên Hòa-Đồng Nai) được các bác sĩ căn dặn rất kỹ là phải thường xuyên đưa con là Nguyễn Đức Hưng (15 tháng tuổi) tái khám.
Trước đó, thấy con sốt cao kéo dài, mắt sưng, lưỡi xuất hiện các nốt đỏ, vợ chồng anh đưa đến BV Nhi Đồng tỉnh Đồng Nai khám và được cho uống thuốc điều trị sốt xuất huyết. Sau 3 ngày điều trị, Hưng vẫn sốt 390C, da và quầng mắt nổi nhiều nốt đỏ kèm tiêu chảy nên được chuyển đến BV Nhi Đồng 1.
Các bác sĩ BV Nhi Đồng 1 đã xác định Hưng mắc bệnh Kawasaki và cho biết trường hợp này là phát hiện kịp thời, nếu để muộn thêm thì chắc chắn sẽ biến chứng suy tim, mạch rất nguy hiểm.
Chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh
Theo các nghiên cứu được thực hiện ở nhiều nơi trên thế giới, Kawasaki là căn bệnh nguy hiểm, diễn biến âm thầm, gây viêm mạch máu cấp tính và biến chứng lên tim, mạch. Bệnh thường xuất hiện vào mùa Đông và mùa Xuân, chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi.
Tỉ lệ tử vong chiếm khoảng 0,1% - 1% số ca mắc và phân nửa số tử vong xảy ra trong vòng 2 tháng đầu khởi bệnh. Các nghiên cứu mới đây cũng cho thấy tỉ lệ tái phát của bệnh là 7/1.000 ca khỏi. Trẻ mắc bệnh Kawasaki thì phải tái khám suốt đời.
Y học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh Kawasaki để có phương pháp điều trị hữu hiệu nên hiện chỉ can thiệp điều trị theo triệu chứng.
TS-BS Vũ Minh Phúc cũng cho hay vì chưa biết nguyên nhân gây bệnh nên rất khó phòng ngừa. Bởi vậy việc phát hiện, can thiệp bệnh sớm là điều rất cần thiết bởi muộn thì khả năng biến chứng viêm tắc, dãn tĩnh mạch vành rất cao, dẫn đến trụy tim và rất dễ tử vong.
Dấu hiệu để có thể nhận biết bệnh Kawasaki là trẻ sốt cao kéo dài, phát ban đỏ khắp cơ thể, hai mắt đỏ, lưỡi đỏ, bong rộp miệng và các đầu ngón tay, chân; nổi hạch ở cổ, có thể kèm theo sưng và đỏ ở lòng bàn tay, bàn chân; tiêu chảy kéo dài...
Nhận diện nhóm gien liên quan bệnh Kawasaki L.Duy |
Bài và ảnh: Nguyễn Thạnh/ NLĐ
Bình luận (0)