Chăm sóc trẻ sốt xuất huyết như thế nào?

11/08/2017 11:01 GMT+7

Số trẻ em mắc sốt xuất huyết nhập viện tại Bệnh viện Nhi T.Ư tăng trong các tuần gần đây. Bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm nếu cha mẹ chủ quan không đưa con đến cơ sở y tế điều trị sớm.

Lưu ý khi hạ sốt
Theo bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, số trẻ nhỏ nhập viện do sốt xuất huyết đang tăng trong các tuần gần đây. Cha mẹ cần lưu ý các triệu chứng bệnh để chăm sóc và đưa trẻ đi khám kịp thời. Bệnh nhân sốt xuất huyết đột ngột sốt rất cao (39 - 40 độ) và rất khó đáp ứng thuốc hạ sốt nên thường sốt cao liên tục; kèm theo đó là tình trạng mệt mỏi, đau đầu, đau sau hốc mắt… Những triệu chứng này dễ bị nhầm lẫn với bệnh cảm cúm thông thường hay bệnh sốt phát ban nên dễ bị bỏ qua. Vì vậy, khi thấy trẻ sốt kèm theo trình trạng mệt nhiều thì nên đưa đến cơ sở y tế sớm.

tin liên quan

Nên hay không nên cắt amidan cho trẻ?
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trong số trẻ đến khám viêm đường hô hấp trên, có đến 30% trẻ được chẩn đoán viêm VA hoặc amidan.
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cho biết thêm, paracetamol là thuốc hạ sốt được sử dụng tương đối rộng rãi, đặc biệt là trong xử trí hạ sốt ở bệnh nhân sốt xuất huyết trong khi các thuốc hạ sốt khác như Aspirin hoặc Ibuprofen bị chống chỉ định. Tuy nhiên, khi dùng thuốc quá liều có thể gây tổn thương gan, tăng men gan, thậm chí hoại tử gan cấp.
 
 
Chăm sóc và theo dõi trẻ bị sốt xuất huyết tại nhà
Tất cả trẻ bị sốt cao từ ngày thứ 2 trở đi và ở trong khu vực có người bị sốt xuất huyết phải được đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và theo dõi.
Khi trẻ sốt ≥ 38,5oC cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol với liều 10 - 15 mg/kg cân nặng, nhắc lại liều từ 4 - 6 giờ/lần nếu trẻ có sốt lại. Kết hợp với chườm ấm để tránh biến chứng sốt cao gây co giật. Không dùng Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì thuốc này khiến tình trạng chảy máu trầm trọng lên, có thể gây xuất huyết dạ dày dữ dội, nguy hiểm đến tính mạng.
Nguồn: BV Nhi T.Ư
Bác sĩ Trần Thị Hải Ninh chia sẻ, cha mẹ cần lưu ý thêm, khi có xuất hiện các chấm nốt xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng là tương đối điển hình của sốt xuất huyết.
Thời điểm nguy cơ cao
Theo bác sĩ Hải Ninh, đối với bệnh nhân sốt xuất huyết, trong những ngày đầu của bệnh thì chưa có nguy cơ xuất hiện các biến chứng nguy hiểm như chảy máu nhiều, phù phổi cấp, sốc. Do vậy trong ba ngày đầu của bệnh, bệnh nhân có thể khám ngoại trú, sau đó tự theo dõi tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ. Từ ngày thứ tư, năm của bệnh, người bệnh có nguy cơ bị các biến chứng nguy hiểm nên cần được theo dõi sát hơn, khi thấy các dấu hiệu như bứt rứt khó chịu, mệt lả, đau bụng nhiều, đặc biệt là vùng hạ sườn phải, tiểu ít, trẻ nhỏ quấy khóc nhiều, bỏ ăn, bỏ bú, nôn nhiều... cần đưa ngay đến BV.
Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh nên uống nhiều nước. Tốt nhất là uống oresol để bù được cả lượng nước và điện giải đã mất đi. Ngoài ra, có thể uống nước đun sôi để nguội, nước hoa quả (nước cam, chanh), ăn thức ăn mềm lỏng, dễ tiêu nhưng vẫn đảm bảo giàu dinh dưỡng như cháo, súp. “Trẻ nhỏ nên được tăng cường bú mẹ. Cần tránh các thức ăn có màu nâu, đen, màu đỏ như nước Coca - cola, Pepsi, nước dưa hấu... do dễ nhầm lẫn với triệu chứng xuất huyết tiêu hóa, gây khó khăn cho quá trình theo dõi, chẩn đoán và điều trị”, bác sĩ Hải Ninh hướng dẫn. Ngoài ra, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất khi: Trẻ mệt, quấy khóc, lừ đừ, vật vã, vã mồ hôi, chân tay lạnh; trẻ buồn nôn và nôn; đau bụng; chảy máu chân răng, chảy máu mũi, hành kinh sớm và kéo dài (đối với trẻ nữ); tiểu ít, đi ngoài phân đen.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.