TS Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết trên địa bàn TP.Hà Nội hiện có 83 phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Sở Y tế Hà Nội cấp phép và 10 bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ được Bộ Y tế cấp phép.
Theo bà Hà, các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, spa không có cấp phép của Sở Y tế chỉ được thực hiện dịch vụ làm đẹp không xâm lấn, không chảy máu. Tuy nhiên, gần đây đã ghi nhận một số trường hợp tai biến, biến chứng như: sốc nhiễm khuẩn sau tiêm giảm béo; cấp cứu do sốc khi hút mỡ bụng, đều thực hiện tại spa, cơ sở thẩm mỹ.
Bà Hà cho biết Sở Y tế Hà Nội sẽ duy trì phối hợp liên ngành công an, quản lý thị trường kiểm tra các hoạt động trong lĩnh vực thẩm mỹ. Sở này cũng sẽ tiếp nhận thông tin phản ánh về các cơ sở hành nghề y dược vi phạm trên địa bàn TP qua đường dây nóng: 024.39985765.
Ngoài ra, người sử dụng dịch vụ có thể nhận biết cơ sở được cấp phép phẫu thuật thẩm mỹ, vì theo quy định trên biển hiệu phải ghi tên phòng khám, loại hình hành nghề, tên bác sĩ phụ trách, giờ làm việc, số giấy phép; bên trong cơ sở hành nghề phải niêm yết bảng giá dịch vụ, niêm yết chứng chỉ hành nghề của người hành nghề; niêm yết phạm vi hoạt động chuyên môn của cơ sở được Sở Y tế/Bộ Y tế cấp phép.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, lưu ý thêm các sở y tế cần chú trọng rà soát, kịp thời phát hiện bác sĩ thẩm mỹ sử dụng chứng chỉ hành nghề giả hoặc hành nghề “chui” khi chưa được cấp chứng chỉ.
Trong đó, cần đặc biệt chấn chỉnh vi phạm xuất hiện gần đây, như bác sĩ chuyên khoa về chấn thương chỉnh hình, sau khi học thêm định hướng về phẫu thuật thẩm mỹ, đã tham gia hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ mặc dù chưa được cấp giấy bổ sung phạm vi hành nghề chuyên khoa này.
Bình luận (0)