Sáng 9-2, khoa đáy mắt - màng bồ đào Bệnh viện Mắt T.Ư đã tiếp nhận và phẫu thuật cho một bệnh nhân bong võng mạc sau khi bị quả bóng tennis đập vào mắt cách đây một tuần.
|
Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Anh - trưởng khoa chấn thương Bệnh viện Mắt T.Ư, chấn thương mắt do tai nạn khi chơi thể thao là một trong ba nhóm chấn thương thường gặp nhất ở khoa này.
Từ mờ đến mù mắt
Sáng 9-2, ông N.M.D., 50 tuổi, giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội, đến khám tại khoa chấn thương Bệnh viện Mắt T.Ư với lý do hơi đau tức ở mắt do bị quả bóng tennis đập vào mắt trước đó.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông D. cho hay khoảng 22g tối 8-2, ông bất ngờ bị quả bóng tennis đập vào mắt khi đang chơi bóng trên sân. Cảm giác ban đầu là hơi tức mắt, chảy nước mắt, khó chịu ở mắt...
Sau khi khám cho bệnh nhân, bác sĩ Nguyễn Quốc Anh cho hay bệnh nhân bị vẩn đục dịch kính ở mắt phải nhưng thị lực không bị ảnh hưởng, không bị xuất huyết. Đây là trường hợp chấn thương nhẹ.
Tuy nhiên có bệnh nhân lại không may mắn như thế. Sáng 9-2, khoa đáy mắt - màng bồ đào Bệnh viện Mắt T.Ư đã phẫu thuật cho một bệnh nhân trên 50 tuổi, cũng bị bóng tennis đập mạnh vào mắt trái khi đang chơi bóng cách đây hơn một tuần. Mặc dù sau đó thấy mắt hơi khó chịu nhưng bệnh nhân cho là biểu hiện bình thường nên không đi khám. Khoảng ba ngày trước đây, bệnh nhân cảm thấy mắt như có đám mây che, nhìn mờ.
Theo bác sĩ Đặng Trần Đạt, phụ trách ca phẫu thuật, bệnh nhân bị bong gần hết võng mạc, xuất huyết và tụ máu dịch kính. Các bác sĩ đã khâu phục hồi nhưng hi vọng hồi phục thị lực mắt trái cho bệnh nhân rất thấp.
Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh cho hay chấn thương mắt khi chơi thể thao là một tai nạn khá thường gặp tại khoa chấn thương. Hôm 6-2, khoa vừa cho xuất viện một bệnh nhân là ông K., sinh năm 1955. Trước đó, hôm 30-1, ông K. chơi golf ở sân golf tại Ba Vì, Hà Nội và bất thần bị quả bóng golf bay từ khoảng cách trên 10m đập mạnh vào mắt trái khiến ông bị vỡ xương hốc mắt, vỡ nhãn cầu, toàn bộ tổ chức nội nhãn lòi ra ngoài. Khi được chuyển đến Bệnh viện Mắt T.Ư, bệnh nhân bị sốc và stress rất nặng.
Theo bác sĩ Quốc Anh, trường hợp như bệnh nhân K. chỉ có thể khâu bảo tồn mắt nhưng sau điều trị, mắt trái bệnh nhân hoàn toàn không nhìn thấy ánh sáng, thị lực mắt trái coi như bằng 0.
Ngừa tai nạn thế nào?
Thời điểm xảy ra tai nạn trên sân golf, bệnh nhân K. đang nghe điện thoại và có người gọi nên đã quay lại, bất ngờ bị bóng golf bay tới đập vào mắt. Bác sĩ Quốc Anh cho rằng tập trung trong khi chơi thể thao là một yêu cầu quan trọng để tránh tai nạn xảy ra.
Bên cạnh đó, rất cần có thiết bị bảo vệ mắt, nhất là những người đã bị tai nạn và chơi thể thao trở lại, do nếu có xảy ra tai nạn thì thường là tai nạn tại mắt lành, vì hướng nhìn của bệnh nhân tập trung từ mắt lành.
Tại khoa chấn thương Bệnh viện Mắt T.Ư, chấn thương do quả cầu lông đập vào mắt là loại chấn thương thường gặp nhất ở những người chơi thể thao, thứ đến là tai nạn do bóng tennis, bóng đá và bóng golf. Trước Tết Nguyên đán vừa qua, một cầu thủ của một đội bóng cũng phải đến Bệnh viện Mắt T.Ư điều trị do vỡ xương hốc mắt sau pha vào bóng nguy hiểm của đối phương.
Theo bác sĩ Quốc Anh, cầu lông là môn dễ chơi, nhiều người chơi và có thể chơi ở bất cứ chỗ nào khiến tai nạn cũng nhiều hơn. Điểm đặc biệt là các trường hợp bị cầu lông bay vào mắt đã đến Bệnh viện Mắt T.Ư cấp cứu, tai nạn đều ở thời điểm trời nhập nhoạng tối, ánh sáng không đủ mà người chơi trên sân đã mệt.
Do đáy quả cầu lông vừa vặn với mắt, nên chấn thương từ quả cầu lông khá nguy hiểm, như lệch thể thủy tinh, bong võng mạc, xuất huyết, tăng nhãn áp... và nhiều trường hợp bị mất thị lực.
Nhiều trẻ em bị tai nạn do súng đồ chơi Bác sĩ Quốc Anh cho biết từ Tết Nguyên đán đến nay đã có 4-5 trẻ bị tai nạn ở mắt do đạn nhựa từ súng đồ chơi bắn vào. Loại tai nạn này bắt đầu rộ lên từ năm 2011, đã được cảnh báo nhiều nhưng năm 2012 lại xuất hiện. Trẻ bị bắn đạn nhựa từ súng đồ chơi trúng mắt có thể bị xuất huyết trong mắt hoặc lệch thể thủy tinh, một số trường hợp phải phẫu thuật và tương lai lâu dài là ảnh hưởng thị lực. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)