Chiến lược phòng chống dịch cho năm 2022

15/09/2021 04:10 GMT+7

Bộ Y tế cho biết, năm 2022, chiến lược chống dịch tập trung vào các vấn đề vắc xin, xét nghiệm, điều trị và ưu tiên tăng cường hệ thống đáp ứng y tế của quốc gia...

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long mới đây đã có buổi làm việc, trao đổi với các nhà khoa học, các chuyên gia của các hội đồng khoa học, bàn về các giải pháp phòng chống dịch cho năm 2022.

Covid-19 sáng 15.9: Cả nước 635.055 ca nhiễm, 398.461 ca khỏi | Thông tin mới về NanoCovax

Củng cố, làm chủ nguồn vắc xin

Theo Bộ Y tế, VN trải qua gần 2 năm phòng chống dịch Covid-19, ngành y tế đã huy động tổng lực nhân lực, trang thiết bị, thuốc men và hết sức nỗ lực trên mọi mặt trận để phòng chống dịch, đặc biệt trong đợt dịch Covid-19 thứ 4 hiện nay.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bộ này đang bắt đầu triển khai xây dựng kế hoạch và chiến lược phòng chống dịch cho năm 2022 và giai đoạn tiếp theo. Từ đó định hình hướng đi, chiến lược chống dịch của quốc gia trên cơ sở tổng kết, đúc kết những bài học kinh nghiệm trong suốt thời gian qua. Chiến lược này là tổng thể các giải pháp từ nâng cao năng lực đối với hệ thống y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, y tế dự phòng và những vấn đề liên quan khác mang tính chuyên môn như xét nghiệm, điều trị, vắc xin, thuốc... trong phòng chống dịch.
Từ kinh nghiệm phòng chống một số đại dịch trước đó cũng như kinh nghiệm trong điều trị thực tế Covid-19 thời gian qua, các nhà khoa học đã nêu ý kiến, tập trung vào những vấn đề chung trong công tác phòng chống dịch như: chiến lược và năng lực xét nghiệm, điều trị bệnh nhân Covid-19, cũng như việc củng cố, làm chủ nguồn vắc xin, bao gồm cả việc tiếp cận các nguồn vắc xin bên ngoài và nghiên cứu, phát triển vắc xin trong nước.

Bản tin Covid-19 ngày 14.9: Cả nước 10.508 ca nhiễm | Biểu đồ ca nhiễm ở TP.HCM vẫn theo đường ngang

Tiến độ vắc xin “made in Vietnam”

Về tiến độ nghiên cứu vắc xin Covid-19 “made in Vietnam”, theo Bộ Y tế, hiện có 3 vắc xin trong nước đang được thử nghiệm lâm sàng gồm: Nanocovax, Covivac, ARCT-154.
Trong đó, Nanocovax - vắc xin đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất được Bộ Y tế phê duyệt thử nghiệm lâm sàng - đã được nghiệm thu kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1, hoàn thành tiêm 2 liều vắc xin trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 và 3. Ngày 22.8, Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia đã họp khẩn cấp đánh giá kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a. Bộ Y tế sẽ sớm tổ chức thẩm định báo cáo kết quả giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3a với đầy đủ các kết quả xét nghiệm đánh giá tính sinh miễn dịch và báo cáo giữa kỳ thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3b của vắc xin này khi nhận được hồ sơ của tổ chức chủ trì nghiên cứu.
Theo yêu cầu của Bộ Y tế, nhóm nghiên cứu vắc xin Nanocovax hoàn tất hồ sơ, bao gồm việc bổ sung một số đánh giá sau khi tiêm 13.000 người tình nguyện, trước ngày 15.9. Kết quả này là một trong những yêu cầu quan trọng để được Bộ Y tế cấp phép sử dụng khẩn cấp, sau khi được Hội đồng đạo đức thông qua.
Ngoài ra, vắc xin được gia công đóng ống tại Việt Nam là Sputnik V, do Công ty Vabiotech (Bộ Y tế) triển khai với năng lực ban đầu khoảng 5 triệu liều/tháng. Hiện vắc xin này được nhà sản xuất của Nga xác nhận đạt yêu cầu chất lượng. Đây là cơ hội Việt Nam tiếp cận, sử dụng vắc xin Sputnik V.

Ngày 15.9, Hội đồng đạo đức họp đánh giá về vắc xin NanoCovax ngừa Covid-19

Đề xuất thêm đãi ngộ cho lực lượng tuyến đầu
Đáng lưu ý, các ý kiến cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm đến chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu tham gia phòng chống dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 9.9 Bộ Y tế đã trình Chính phủ xem xét và thông qua các cơ chế, chính sách trong phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là chế độ phụ cấp cho các lực lượng tham gia phòng chống dịch nói chung; các phụ cấp đặc thù chuyên môn cùng chế độ ăn và sinh hoạt đối với lực lượng y tế…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.