Chớ coi thường vết thương nhỏ, coi chừng bị uốn ván nguy kịch

29/04/2019 04:38 GMT+7

Điều trị hơn hai tuần, người thợ xây vẫn co giật, tính mạng bị đe dọa bởi bệnh uốn ván. Nhiều người thấy chỉ bị vết thương không nghiêm trọng mà không nghĩ đến đề phòng nhiễm uốn ván, cho đến khi có triệu chứng nặng.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP.HCM), mỗi ngày có gần 20 trường hợp tương tự. 

Bệnh từ vết thương nhỏ

Tại Khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới, phần lớn các bệnh nhân uốn ván đều rất nặng, co giật và co thắt cơ, gây rối loạn hô hấp, cần điều trị tích cực tại khoa.
Nằm viện hơn 2 tuần vẫn còn co giật, tính mạng của người thợ xây 52 tuổi bị đe dọa bởi bệnh uốn ván.
Trong khi đó, ông T.V.N (65 tuổi, ngụ Long An) hơn 10 ngày trước khi nhập viện, khi đang phát quang bụi cây xung quanh nhà thì bị một cành cây gãy gây xước, chảy máu bên tay trái. Thấy chỉ là vết thương nhỏ, ông N. chỉ rửa sơ vết thương và để cho tự lành.
Tuy nhiên, hơn một tuần sau, ông N. cảm thấy cứng hàm, nhai nuốt khó và khó thở. Ông đến khám và điều trị tại bệnh viện địa phương nhưng không đỡ và được chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.
Tại đây, ông được chẩn đoán bị uốn ván, với tình trạng phải mở khí quản và thở máy.
Bà N.T.C (50 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cũng đang nằm viện điều trị uốn ván có nguyên nhân chỉ từ vết thương… phỏng pô xe máy.
Bà C. cho biết đã bôi thuốc vết phỏng và nghĩ mấy ngày sẽ lành. Tuy nhiên, qua một tuần, vết phỏng càng lan rộng, mưng mủ, sưng tấy. Bà C. tiếp tục mua kháng sinh về uống. Sau đó, bà C. bắt đầu sốt cao, cứng cơ hàm, khó thở nên đã đến bệnh viện khám và không ngờ bị uốn ván.
Ghi nhận tại Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, bệnh nhân uốn ván thường có vết thương hở nhiễm trùng, phổ biến nhất là đạp đinh hoặc bị các vết cắt, trầy xước do kim loại khi gặp tai nạn lao động, tai nạn giao thông. Thậm chí, bệnh viện ghi nhận một số trường hợp tai nạn sinh hoạt như vết dao cắt,… gà mổ, heo cạp…

Nhập viện ngay khi cứng hàm

Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới: Bệnh uốn ván (còn gọi là phong đòn gánh) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván, có tên khoa học là Clostridium tetani gây ra. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nếu chưa được tiêm ngừa uốn ván đầy đủ và không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương.
Thông thường nha bào uốn ván ngoài môi trường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, qua các vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ. Có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn. Đôi khi có trường hợp uốn ván sau phẫu thuật trong những điều kiện không vệ sinh (đặc biệt là nạo thai lậu).
Trẻ sơ sinh có thể bị uốn ván sơ sinh do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh vì cắt rốn bằng dụng cụ bẩn hoặc không được chăm sóc rốn đúng cách. Bệnh thường xảy ra ở trẻ bị đẻ rơi, đẻ tại nhà.
Bác sĩ Châu cho biết, bệnh uốn ván có biểu hiện khởi phát bằng triệu chứng cứng hàm (không há miệng to được). Bệnh nhân phải đến bệnh viện ngay.
Sau đó tình trạng co cứng các cơ tăng dần, thường là cơ gáy, cơ lưng, cơ bụng, đôi khi co cứng ở vùng bị thương. Tùy theo nhóm cơ co cứng chiếm ưu thế mà bệnh nhân có một trong những tư thế đặc biệt như sau: cong ưỡn người ra sau, thẳng cứng cả người như tấm ván, cong người sang một bên hay gập người ra phía trước.
Trong giai đoạn toàn phát, bệnh nhân xuất hiện các cơn co giật toàn thân khi bị kích thích bởi va chạm, ánh sáng chói, tiếng ồn…
Bệnh đặc biệt nguy hiểm khi bệnh nhân bị co thắt vùng khí quản gây khó thở, cần phải mở khí quản. Bệnh nhân cũng không thể tự ăn uống được do thực quản bị co thắt gây khó nuốt, nuốt nghẹn và nuốt sặc nên cần phải đặt ống thông dạ dày nuôi ăn, nhiều trường hợp cần phải nuôi ăn bằng thuốc truyền tĩnh mạch.
Ngoài ra, bệnh uốn ván có thể có biến chứng “rối loạn thần kinh thực vật” biểu hiện bởi hiện tượng rối loạn nghiêm trọng về nhịp tim, huyết áp và nhiệt độ cơ thể dẫn đến tử vong.
“Hiện nay, với các phương tiện hồi sức hiện đại tỷ lệ tử vong bệnh uốn ván giảm còn khoảng 6 - 10%. Tuy nhiên, kể cả khi bệnh uốn ván hồi phục có thể xuất viện, phần lớn bệnh nhân vẫn còn hậu quả là tình trạng cứng cơ khớp này có thể kéo dài 6 - 12 tháng”, bác sĩ Châu cho biết.

Tiêm ngừa phòng bệnh

“Tuy bệnh rất nguy hiểm nhưng uốn ván là một bệnh có thể phòng ngừa được bằng vắc xin. Trong đó, quan trọng nhất là tiêm ngừa chủ động, đầy đủ trước khi bị vết thương”, bác sĩ Châu khẳng định.
Đặc biệt, phụ nữ có thai cần được tiêm phòng uốn ván chủ động vì miễn dịch của người mẹ do vắc xin có giá trị phòng được uốn ván sơ sinh cho con.
Người đã từng tiêm ngừa uốn ván thì nên tiêm nhắc lại 5-10 năm trước khi có vết thương để bảo vệ triệt để. Khi bị vết thương, dù đã chích ngừa đầy đủ, người dân vẫn nên đến cơ sở y tế để bác sĩ thăm khám có chỉ định điều trị tốt nhất dự phòng uốn ván.
“Đối với trường hợp không được tiêm ngừa vắc xin đầy đủ, người dân khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh”, bác sĩ Châu khuyến cáo.
Đặc biệt, bác sĩ cảnh báo cần tránh tuyệt đối việc tự xử lý vết thương tại nhà như thoa đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh. Đây có thể là một trong các nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.