Chơi tennis sao cho hiệu quả

11/08/2017 05:18 GMT+7

Mục đích của chơi tennis là để khỏe, nhưng tập luyện không đúng bài bản sẽ dễ dẫn đến chấn thương.

Chấn thương thường gặp
Đã có không ít người do đánh tennis không đúng cách, dính chấn thương lại chủ quan không chữa trị nên dẫn đến các bệnh mạn tính như viêm khớp, thoái hóa khớp, đau thần kinh tọa, nứt, gãy xương sống.
Theo bác sĩ Tô Minh Châu, Tổng thư ký Hội Y học thể thao TP.HCM, phần lớn các chấn thương trong tập luyện và thi đấu tennis là chấn thương vai, cổ tay, khuỷu tay, khớp gối... trong đó chấn thương khớp gối khá phổ biến. Các chấn thương ở gối thường dễ thấy trong lúc đánh tennis có thể kể đến đầu tiên là hội chứng đau xương bánh chè hoặc những tổn thương phía trước gối. Tùy thuộc vào từng loại chấn thương, tùy mức độ nặng nhẹ mà khớp gối có thể xuất hiện các biểu hiện tổn thương từ nặng cho tới nhẹ như: đau, nhức khớp nhẹ; sưng và đau khớp gối nhưng vẫn có thể cử động được; xuất hiện cơn đau nhức kèm theo sưng khớp, đi lại khó khăn, cứ cử động là lại đau, nghỉ ngơi thì hết; cơn đau xuất hiện dữ dội kèm với sưng to, khớp đầu gối sưng có thể do tích tụ chất hoạt dịch trong bao, biến dạng khớp, có thể không còn di chuyển được.
Khi phát hiện chấn thương, việc xử trí ban đầu là quan trọng và rất cần thiết để giảm triệu chứng, giúp tổn thương ổn định, góp phần làm tổn thương mau lành.
Theo các bác sĩ y học thể thao, việc cần làm trước tiên khi bị chấn thương là nghỉ chơi ngay lập tức, có thể giữ bất động vùng bị thương bằng nẹp cố định trong 24 - 72 giờ đầu. Để giảm chảy máu bên trong, giảm sưng, giảm viêm cấp tính, dùng túi chườm lạnh hoặc đập nhuyễn đá bỏ vào bao ni lông rồi bọc một khăn ướt bên ngoài (không nên chườm đá lạnh trực tiếp lên da có thể làm phỏng lạnh) chườm tại chỗ 10 - 15 phút, nghỉ 30 - 45 phút, lặp lại nhiều lần trong ngày, không nên chườm một lần quá lâu có thể gây phỏng lạnh. Chườm lạnh có thể thực hiện trong 24 - 72 giờ đầu sau khi chấn thương. Trong 48 giờ đầu không được chườm nóng, xoa bóp, kéo nắn chi hay vùng bị tổn thương vì dễ làm tổn thương rách, dập, đứt phần mềm tăng lên, chảy máu nhiều hơn, sưng nề nhiều hơn, hiện tượng viêm tăng lên làm mô bị tổn thương lâu lành hoặc lành với sẹo xấu.
Đặc biệt đối với dây chằng, việc xoa bóp với các loại dầu nóng có thể kích thích hình thành các mô sợi xơ (Fibro) thế cho các sợi đàn hồi (collagen) dẫn đến giảm tính đàn hồi và chắc của dây chằng. Sau khi lành, dây chằng trở nên yếu, xơ cứng và dễ bị tổn thương lại.
Do đâu bị chấn thương?
Bác sĩ Tô Minh Châu cho biết một số người chơi tennis vì tâm lý chạy theo phong trào nên tham gia theo kiểu “ăn xổi ở thì”, vì thế khá dễ dãi trong việc chọn giày, vợt không phù hợp với sức đánh, xem nhẹ việc trang bị những kiến thức cơ bản (không chú trọng làm nóng, làm nguội, tập luyện quá sức, sai kỹ thuật...), nên rất dễ dẫn tới tình trạng chấn thương.
Có rất nhiều cách để phân loại nguyên nhân chấn thương. Chấn thương ở vai chủ yếu do vai yếu, do đánh sai kỹ thuật hoặc cũng có thể do nhiều nguyên nhân khác. Trong tennis, việc đánh sai kỹ thuật thường ít gặp, nếu có chỉ ở những người mới chơi. Trong khi đó, chấn thương do chơi quá sức là phổ biến. Tình trạng quá tải xuất phát từ những lý do: làm nóng và làm nguội không tốt, tập với khối lượng quá lớn, tập quá lâu, tập với đối thủ quá mạnh, vợt quá nặng, tập với thời lượng quá nhiều, tập với cường độ lặp đi lặp lại không cho cơ thể nghỉ ngơi, ngày nào cũng tập...
Ngoài ra, chấn thương trong khi chơi quần vợt cũng có thể do chưa biết cách phối hợp. Một số người khi đánh tại chỗ hoặc đánh trong “chuồng” thì rất tốt, nhưng khi ra sân thì không đánh được và bị chấn thương ngay. Sở dĩ có điều này là do sự phối hợp không đồng bộ giữa phần hông, tay và chân. Ví dụ, hông xoay chưa đúng, bộ chân bước sai, tay đánh rướn, đánh với, đánh sai, chưa có kỹ thuật chạm banh cũng như cách di chuyển trên sân, đoán đường banh, hướng banh, cách khắc chế đối phương, bụng bự quá, giày không đảm bảo chất lượng...

tin liên quan

Những cách ngừa nguy cơ đột quỵ cần biết
Đột quỵ - tai biến mạch máu não là một trong những nguyên nhân gây tử vong bất ngờ, không thể lường trước được. Chính vì thế, cần biết cách phòng ngừa, tránh những rủi ro đáng tiếc.

“Làm nguội” quan trọng như “làm nóng”
Để hạn chế chấn thương ngay từ đầu phải có thái độ tích cực đối với thể thao. Người chơi phải xác định rõ đến với thể thao là yêu thích, tránh thái độ quá khích, biết cách kiểm soát cường độ vận động, thời gian vận động, chiến lược chiến thuật. Thời lượng thích hợp nhất chơi môn quần vợt là khoảng từ 2 - 3 buổi 1 tuần, và tổng thời lượng đánh có thể dao động từ 60 - 120 phút, nhưng tốt nhất là trong khoảng 90 phút, bác sĩ Châu khuyến cáo.
Ngoài ra, một trong những sai lầm dẫn tới chấn thương mà không ít người chơi tennis nghiệp dư mắc phải là xem nhẹ công đoạn “làm nóng” cũng như “làm nguội”. Thông thường, người chơi hay lao vào thi đấu khi cơ thể của họ chưa sẵn sàng. Nói một cách dễ hiểu là hệ thống tuần hoàn hô hấp, các nhóm cơ, các khớp... chưa có sự chuẩn bị cho những hoạt động có cường độ cao hơn so với hoạt động bình thường, vì vậy những chấn thương về cơ bắp, dây chằng, các khớp rất dễ xảy ra. Thậm chí, đối với những người có tiền sử tim mạch hay huyết áp cũng có thể bị đột quỵ khi chơi với cường độ cao mà không kiểm soát được trạng thái của cơ thể mình. Vì vậy, để tránh chấn thương người chơi tennis cần chú trọng phương pháp “làm nóng” cũng như “làm nguội”. Cụ thể như: chạy nhẹ và tăng dần tốc độ trong 10 phút. Chạy khởi động là một trong những bài tập giúp cơ thể làm nóng nhanh nhất. Ngoài ra, chạy khởi động cũng làm hệ thống hô hấp, tuần hoàn thích nghi với các hoạt động mang tính cường độ cao hơn. Tiếp đến là thực hiện các bài tập căng cơ. Khi chơi tennis, các nhóm cơ và dây chằng sẽ luôn ở tình trạng kéo căng vì vậy khởi động các bài tập căng cơ để chuẩn bị trước cho các hoạt động thi đấu là điều cần thiết.
Hiện đang là mùa mưa, để tránh chấn thương không đáng có, cần hạn chế đánh ráng. Vì khi sân ướt, banh thấm nước rất nặng, lực vụt vào khiến banh bay rất nhanh, nên người đỡ lên lưới rất dễ “dính đòn”. Ngoài ra, cách lên lưới cũng là một trong những yếu tố cần cân nhắc trong khi đánh. Theo đó, lên lưới mà tay phản xạ không tốt thì vô cùng nguy hiểm. Khi lên lưới cần phải biết biến chiêu. Người chơi chỉ lên lưới khi thấy mình đủ linh hoạt, còn không thì nên hạn chế, bởi khi chưa biết biến chiêu, banh tới cứ theo phản xạ quơ, đập ầm ầm, mà đập quá tầm, quá đà buộc phải rướn hoặc đánh chưa tới banh, đánh nghịch tay, đánh ở vị trí không thích hợp với cơ thể, thì nguy cơ chấn thương sẽ xảy ra.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.