Chủ động phòng bệnh ung thư cổ tử cung như thế nào?

06/08/2018 09:07 GMT+7

Nữ giới đã có thể chủ động phòng bệnh ung thư cổ tử cung bằng vắc xin và xét nghiệm phát hiện sớm.

Nguyên nhân gây bệnh
Theo Hội Y học dự phòng VN, ung thư cổ tử cung là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu trong các loại ung thư ở phụ nữ. Nhiễm HPV (Human Papillomavirus) là nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Có nhiều loại HPV gây ung thư cổ tử cung, trong đó HPV týp 16 và 18 là hai loại thường gặp nhất (nguyên nhân của khoảng 70% trường hợp mắc).
Hầu hết cả nam và nữ đều có thể nhiễm HPV. Vi rút này lây qua đường tình dục và có thể nhiễm ngay từ lần quan hệ tình dục đầu tiên. HPV lây nhiễm qua tiếp xúc da, niêm mạc dương vật với niêm mạc cổ tử cung, âm đạo. Bệnh âm thầm trải qua các giai đoạn từ lúc nhiễm HPV, gây nên những biến đổi bất thường ở tế bào cổ tử cung, các tổn thương tiền ung thư rồi đến ung thư, quá trình này kéo dài âm thầm, nhiều năm. Do đó, phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung thường được phát hiện ở lứa tuổi từ 35 - 55.
Ngoài HPV, các yếu tố khác phối hợp có thể tăng nguy cơ mắc bệnh như: nhiều bạn tình; vệ sinh kém, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục do nhiễm Trichomonas, Chlamydiae trachomatis, Herpes simplex virus type; hút thuốc lá; tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Phòng và phát hiện sớm
TS Nguyễn Đức Phúc, Phó trưởng khoa Phụ ngoại (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội), cho biết có thể dự phòng, phát hiện sớm và điều trị khỏi ung thư cổ tử cung bằng tiêm phòng vắc xin chống vi rút HPV; sử dụng các biện pháp quan hệ tình dục có bảo vệ (bao cao su cho nam và nữ); khám và điều trị các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa; sàng lọc phát hiện những tổn thương tiền ung thư, ung thư, xét nghiệm HPV; sinh thiết những tổn thương nghi ngờ nếu phát hiện.
“Tiêm vắc xin HPV là một trong những biện pháp dự phòng ung thư cổ tử cung do vắc xin này sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra kháng thể chống lại HPV gây ung thư cổ tử cung, có hiệu quả bảo vệ cao”, bác sĩ Vũ Thị Toàn, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm tiêm chủng VNVC Trường Chinh (Hà Nội), cho biết thêm.
Hiện có hai loại vắc xin HPV, trong đó vắc xin chỉ định tiêm cho bé gái và phụ nữ từ 9 - 26 tuổi giúp phòng ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, các tổn thương tiền ung thư hoặc loạn sản, mụn cóc sinh dục và các bệnh lý do 4 týp vi rút HPV 6, 11, 16 và 18. Hoặc vắc xin HPV khác có hiệu quả phòng ung thư cổ tử cung do 2 týp vi rút HPV 16 và HPV 18 gây nên, được chỉ định tiêm cho các bé gái và phụ nữ ở độ tuổi 10 - 25.
“Chúng tôi nhận thấy xu hướng gia tăng các em gái và phụ nữ trẻ tiêm vắc xin HPV do mọi người ngày càng hiểu rõ hơn vai trò của vắc xin trong phòng bệnh chủ động”, bác sĩ Toàn chia sẻ.
Theo các chuyên gia, nhiễm HPV không chỉ là nguy cơ của ung thư cổ tử cung mà còn là nguyên nhân gây ung thư âm đạo, ung thư âm hộ ở nữ và gây ung thư dương vật ở nam giới.
“Việc tiêm vắc xin HPV cho nam giới đã được xét duyệt ở một số quốc gia giúp phòng bệnh do vi rút này. Tại VN, theo đăng ký của nhà sản xuất, vắc xin HPV hiện chưa có chỉ định tiêm cho nam giới; chỉ định tiêm cho nữ giới từ 9 - 26 tuổi, còn tại một số nước vắc xin này đã được tiêm cho phụ nữ đến 45 tuổi”, PGS-TS Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết.
Theo Hội Y học dự phòng VN, ngay cả khi đã tiêm vắc xin HPV vẫn cần thực hiện sàng lọc ung thư cổ tử cung, khám phụ khoa định kỳ, làm xét nghiệm tế bào cổ tử cung để phát hiện sớm (nếu có). Những thay đổi bất thường không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể chuyển thành ung thư. Cùng với tiêm vắc xin HPV, xét nghiệm sàng lọc tế bào cổ tử cung góp phần giảm mạnh tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.