Bất kể chúng ta có bị bệnh hay không, bàn chải đánh răng dùng từ 3 đến 4 tháng thì phải thay mới. Vì sau khoảng thời gian này, lông bàn chải đã sờn và không còn loại bỏ tốt các mảng bám trên răng nữa, theo khuyến cáo của Hiệp hội Nha khoa Mỹ, theo Business Insider.
Khi người dùng mắc bệnh, chắc chắn rằng bàn chải sẽ lưu lại các vi khuẩn gây bệnh trên đó. Tuy nhiên, chúng ta có thể không cần phải thay bàn chải mới khi đã khỏi bệnh.
Nguyên nhân là không có bằng chứng khoa học cho thấy con người có thể bị tái nhiễm bệnh do vi khuẩn lưu lại trên bàn chải đánh răng, trừ phi hệ miễn dịch đang bị tổn thương, Business Insider dẫn lời chuyên gia nha khoa người Mỹ Hamad Hamad.
Tuy nhiên, nếu bạn đặt bàn chải đánh răng của mình chung với các thành viên trong gia đình thì nên thay bàn chải mới để tránh lây nhiễm bệnh cho họ. Ngược lại, nếu người khác đang mắc bệnh hoặc bệnh vừa khỏi thì cần tránh để bàn chải đánh răng của họ và mình tiếp xúc nhau.
Một nghiên cứu công bố trên trên chuyên san Nursing Research and Practice cho biết tình trạng bàn chải đánh răng bị xâm nhập bởi các loại vi khuẩn từ bên ngoài là rất phổ biến. Các nhà khoa học vẫn cảnh báo người dùng cần cẩn thận dù không có bằng chứng rõ ràng cho thấy các vi khuẩn này có thể gây bệnh, theo Business Insider.
Trong nghiên cứu này, các loại vi khuẩn có thể gây bệnh được phát hiện trên bàn chải gồm vi khuẩn gây đường ruột E. coli, vi khuẩn gây nhiễm tụ cầu trùng staphylococcus aureus và một số loại vi khuẩn khác. Trong quá trình sử dụng, chúng dính vào bàn chải khi người dùng cầm nắm hoặc tiếp xúc với các bề mặt xung quanh.
Để hạn chế vi khuẩn dính vào bàn chải, người dùng nên rửa kỹ bằng nước sạch sau khi sử dụng. Nếu cẩn thận hơn, họ có thể vệ sinh bàn chải bằng nước súc miệng. Khi cất giữ, bàn chải cần được đặt ở tư thế thẳng đứng, lông bàn chải đưa lên trên, theo Business Insider.
Bình luận (0)