Hôm 30.5, tại Hội nghị kỷ niệm 12 năm triển khai chương trình tim mạch nhi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Vũ Minh Phúc, Trưởng Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết: Qua 12 năm, đã có 10.888 trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh được can thiệp điều trị triệt để tại Bệnh viện Nhi đồng 1.
Trong thời gian qua, theo ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng 1, số lượt mổ tim đơn giản (như thông liên thất, thông liên nhĩ, còn ống động mạch, hẹp eo động mạch chủ,…) đang giảm dần. Thay vào đó, số ca mổ tim cho trẻ mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp (như kênh nhĩ thất, thất phải 2 đường ra, tim một tâm thất, tim 3 buồng nhĩ,…) tăng dần.
Đặc biệt, có trường hợp mổ tim cho em bé sơ sinh chỉ mới cân nặng 850 gram (mổ kín) và 2.100 gram (mổ hở).
“Bệnh tim bẩm sinh có tỉ lệ 8 ca mắc trong 1.000 ca sinh, trong đó có 2 ca cần được can thiệp trong tháng đầu tiên sau sinh và 1 ca cần được can thiệp ngay trong tuần đầu tiên”, bác sĩ chuyên khoa 2 Đỗ Thị Cẩm Giang, Khoa Tim mạch, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết.
Tuy nhiên, thống kê tại Khoa Sơ sinh của Bệnh viện Nhi đồng 1 cho thấy có đến 95% các bé sơ sinh bị tim bẩm sinh chưa hề được chẩn đoán tiền sản trong thai kỳ, khiến bác sĩ “trở tay không kịp” sau khi sinh.
Theo bác sĩ Giang, nhiều trường hợp trẻ sinh ra không được chẩn đoán trước tim bẩm sinh nên việc cứu sống và điều trị cho bệnh nhi gặp nhiều khó khăn. Nhiều bệnh tim bẩm sinh cần can thiệp sớm ngay sau sinh (như dị tật ống động mạch) nếu không bệnh nhi sẽ nhanh chóng suy tim, dẫn đến hàng loạt triệu chứng nguy hiểm như thiếu ô xy, toan máu, sốc, tổn thương não, tổn thương đa cơ quan...
Vì vậy, các bác sĩ đánh giá những trường hợp này cần có sự phối hợp sản - nhi, chẩn đoán ngay từ trong thai kỳ và can thiệp tim khi trẻ vừa chào đời.
Bác sĩ Giang dẫn các thống kê cho thấy siêu âm tim thai có thể giúp phát hiện được tới 90% các vấn đề tim bẩm sinh. Điều này giúp phụ huynh và bác sĩ có sự chọn lựa và chuẩn bị trong sinh nở và điều trị khi trẻ chào đời, giúp tăng cơ hội sống cho bệnh nhi, giảm thời gian nhập viện và tăng chất lượng của cuộc phẫu thuật.
Theo hướng dẫn của Hiệp hội Tim mạch Mỹ, siêu âm tim thai có thể cho kết quả khá chính xác từ tuần 17-18 trở lên của thai kỳ.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Bệnh viện Nhi đồng 1 thời gian qua đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật chuyên sâu tim mạch tiếp cận các nước trong khu vực, đang dần định hình Trung tâm chuyên sâu can thiệp tim mạch trẻ em.
Đặc biệt, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã chia sẻ nguồn nhân lực các bác sĩ chuyên khoa sâu về tim mạch cho Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chuyên khoa tim mạch cho các bệnh viện tỉnh phía Nam và đã hình thành nên mạng lưới quản lý trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh cho các tỉnh, thành khu vực phía Nam.
|
Bình luận (0)