Covid-19 'làm khó' cho việc chăm sóc người già những ngày trở lạnh

21/12/2020 15:57 GMT+7

Những ngày này, nhiệt độ ở Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành miền Trung xuống thấp ở ngưỡng dao động 15-20 độ C, khiến nhiều người già phải nhập viện trong tình trạng phòng chống dịch Covid-19.

Thời tiết trở lạnh khiến gia tăng những ca bệnh ở người già. Tuy nhiên, thực tế có một rào cản khiến việc chăm sóc sức khỏe ở người già khá khó khăn. Đó là do người dân có tâm lý e ngại trước nguy cơ dịch Covid-19 ở những nơi công cộng, và các bệnh viện (BV) phải tuân thủ giãn cách phòng chống dịch Covid-19...

Mùa Covid-19 - vào viện là các ca bệnh nặng

Ở đợt lạnh kéo dài này, tại Khoa Lão, Bệnh viện C Đà Nẵng tiếp nhận nhiều trường hợp các cụ già nhập viện do ảnh hưởng của thời tiết, chủ yếu ở nhóm bệnh lý về hô hấp, trên bệnh nền viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, huyết áp, tiểu đường...
Cụ N.T.H (91 tuổi, ngụ Q.Hải Châu, Đà Nẵng) là một trường hợp đang được hỗ trợ thở ô xy khi tim phổi đều tổn thương do thời tiết trở lạnh. Người nhà cụ H. cho biết cụ bị té ngã từ trên giường xuống đất do thay đổi tư thế đột ngột gây choáng nên được đưa vào cấp cứu. Tại Khoa Lão, cụ được các nhân viên y tế hỗ trợ máy thở trong điều kiện bệnh nền phức tạp như tăng huyết áp, suy tim, tổn thương phổi...
BS CKII Cao Chí Hiếu, Trưởng Khoa Lão, Bệnh viện C Đà Nẵng, cho biết: “Không khí lạnh kéo dài dễ tổn thương đường hô hấp, dễ gây hạ huyết áp tư thế khiến các cụ đau đầu chóng mặt, nguy cơ té ngã dẫn đến tai biến, chấn thương sọ não, gãy các chi khó hồi phục”.
Theo BS Hiếu, do nguy cơ bệnh lý hô hấp diễn biến phức tạp cộng với dịch cúm mùa, dịch Covid-19, nên công tác chăm sóc, tiếp nhận người bệnh đều phải duy trì nguyên tắc 5K, phòng chống Covid-19 của Bộ Y tế. “Dù các cụ lớn tuổi nhưng vẫn nghiêm túc thực hiện nguyên tắc khẩu trang và khoảng cách để phòng dịch Covid-19. Mùa này, đeo khẩu trang cũng không khó thở lắm, lại có thể giữ ấm mũi họng, phòng chống được bệnh đường hô hấp. Tùy vào tình trạng bệnh lý về hô hấp, phổi mạn tính của các cụ để chỉ định hỗ trợ thở ô xy, thở khí dung...”, BS Hiếu cho biết.

Thời tiết lạnh khiến người già trở bệnh nặng nếu không được quan tâm chăm sóc đúng cách

An Dy

Tại Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện C Đà Nẵng cũng tiếp nhận những ca bệnh nặng là người cao tuổi do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản cấp... trên nền bệnh lý tim mạch, suy thận mạn, tiểu đường. Phần nhiều những ca bệnh nặng phải trợ thở, suy hô hấp phải thở máy.
Trường hợp cụ ông T.K (84 tuổi, Q. Hải Châu, Đà Nẵng) nhập viện cấp cứu do đợt cấp của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính biến chứng suy hô hấp. Cụ ông phải thở máy khó nhọc trong sự giám sát của các nhân viên y tế. Ths.BS Lê Thị Hoài Thư (Khoa Nội Hô hấp, Bệnh viện C Đà Nẵng) cho biế, cụ là trường hợp bệnh nặng, được các nhân viên y tế chăm sóc toàn diện trong điều kiện kiểm soát dịch Covid-19.
Tại các khoa Nội hô hấp, Lão, Đột quỵ (Bệnh viện Đà Nẵng) cũng gia tăng những ca bệnh lớn tuổi do thời tiết trở lạnh. Theo TS.BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, dù hiện tại bệnh viện phải giãn cách giường bệnh ở mức thấp để kiểm soát dịch Covid-19, tuy nhiên số bệnh nhân vẫn ở mức hơn 70% so với cùng kỳ trước dịch, đa phần là các ca bệnh nặng.
BS CKII Phạm Văn Tú, Trưởng Khoa Lão (Bệnh viện Đà Nẵng), cho biết “Đợt lạnh này, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân lớn tuổi mắc các bệnh mạn tính như hô hấp, xương khớp kèm bệnh nền. Nhiều trường hợp bệnh nặng, phải thở ô xy, khí dung. Vì bệnh viện đặt trong tình trạng kiểm soát dịch Covid-19 gắt gao nên những trường hợp theo dõi ổn định có thể cho điều trị ngoại trú, hoặc chuyển tuyến dưới để theo dõi, chăm sóc”.

Tăng cường kiến thức chăm sóc tại nhà

“Những đợt dịch Covid-19 tại Đà Nẵng đã tác động lớn đến nhóm người già, người bệnh nền, nhưng cũng rất may sau đó, ý thức và kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi cũng đã được nâng cao. Con cái cũng chủ động quan tâm đến sức khỏe của ông bà, cha mẹ hơn, nhất là những người có bệnh nền, trong những ngày trở lạnh, khi dịch Covid-19 vẫn có nguy cơ cao”, BS Hiếu nhận định.
Tuy nhiên, theo BS Hiếu, người thân cũng cần trang bị những kiến thức cơ bản để chăm người lớn tuổi được hiệu quả. Lưu ý đặc biệt giữ ấm cho các cụ, nhất là bảo vệ đường hô hấp, những vị trí cổ, họng, gan bàn tay, bàn chân. Tránh những thay đổi nhiệt độ đột ngột bên ngoài và trong phòng. Đặc biệt, những cụ có bệnh nền phải sử dụng thuốc đều theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị. “Ngày thường trời ấm ấm có thể bỏ lỡ vài viên thuốc huyết áp, nhưng gặp không khí lạnh mà bỏ thuốc là huyết áp tăng vọt ngay, rất nguy hiểm, dễ tai biến. Thêm vào đó, tư thế thay đổi đột ngột dễ bị hạ tuyết áp tư thế, gây choáng, ngã, chấn thương sọ não, chấn thương cột sống, gãy các chi...”, BS Hiếu lưu ý.
Chăm sóc người lớn tuổi, theo BS Hiếu phải tuân thủ nguyên tắc “3 chậm”. Đó là khi nằm ngồi dậy phải chậm, đang ngồi thì đứng dậy chậm, bước đi chậm, nghĩa là không chuyển đổi tư thế đột ngột.
Bên cạnh đó, việc chăm sóc sinh hoạt cho người lớn tuổi trong thời tiết trở lạnh phải sử dụng nước ấm, tăng cường hỗ trợ xông đường hô hấp bằng tinh dầu. Cách này giúp làm sạch đường hô hấp và đảm bảo tăng đề kháng trong phòng chống các bệnh cúm mùa, bệnh đường hô hấp và cả Covid-19. Dinh dưỡng phải đảm bảo đủ chất để bù năng lượng chống lạnh. Duy trì chế độ vận động nhẹ, nhưng tránh thể dục quá sớm. Mùa lạnh, người lớn tuổi chỉ nên vận động sau 8 giờ để tránh những nguy cơ có hại cho sức khỏe...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.