Điều này lý giải vì sao nam bệnh nhân 34 tuổi vừa được cứu sống tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ đã hoàn toàn tê liệt thần kinh, tê liệt chân tay, suy hô hấp chỉ sau khoảng 10 phút kể từ lúc ăn 2 càng cua mặt quỷ.
Rất may, việc xử lý kịp thời sau đó của các bác sĩ đã cứu bệnh nhân thoát khỏi cái chết do độc tố từ loài cua đáng sợ này.
Quá nhanh và quá nguy hiểm
Trước đó, như Thanh Niên đã đưa tin, sáng 8.5, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp nhận một bệnh nhân L.V.M (quê ở xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, Cần Thơ) từ Trung tâm Y tế Quân dân Y Côn Đảo chuyển đến bằng đường hàng không, trên tuyến bay Côn Đảo - Cần Thơ.
Ngay khi xuống sân bay, bệnh nhân được xe cấp cứu đón và đưa vào nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng nguy kịch, suy hô hấp, hôn mê sâu, đồng tử 2 bên 4 mm, phản xạ ánh sáng (+), liệt tứ chi.
Các bác sĩ đã xác định đây là trường hợp ngộ độc thực phẩm rất nặng, vào viện giờ thứ 16, tiên lượng xấu, khả năng tử vong rất cao. Sau 2 giờ cấp cứu và điều trị nội khoa tích cực tại Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc theo phác đồ chống độc của bệnh viện, bệnh nhân bắt đầu có phản xạ đáp ứng kích thích và tỉnh táo dần dù vẫn còn suy hô hấp cần hỗ trợ thở máy. Cho đến sáng 10.5 bệnh nhân mới có thể ngưng thở máy, sinh tồn ổn định.
|
Nhìn em trai tỉnh lại, chị Lê Thị Mén, 39 tuổi, (chị gái bệnh nhân) kể, hôm xảy ra ngộ độc, L.V.M đang làm việc tại Côn Đảo. Tranh thủ giờ rảnh, M. ra biển bắt cua, ghẹ. Do là dân Cần Thơ ra Côn Đảo lao động nên không biết phân biệt loài cua có độc. “Bắt được ít ghẹ, cua đem về luộc ăn. Ai ngờ sau khi ăn hai cái càng được 10 phút thì nó bị tê đầu lưỡi, tê hai tay lan xuống chân, rồi khó thở. Cũng may lúc đó, đã kịp móc họng để nôn ra rồi mới đi cấp cứu”, chị Mén kể.
Tại Trung tâm Y tế Quân dân Y Côn Đảo, bệnh nhân L.V.M nhanh chóng rơi vào hôn mê và được xử trí đặt nội khí quản hỗ trợ hô hấp, rửa dạ dày trước khi có chuyến bay để chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ tiếp tục điều trị.
“Lúc phát bệnh ở Côn Đảo nghe các bác sĩ nói em tôi nặng lắm, cả nhà ai cũng lo sợ em hết đường cứu chữa. Giờ tiến triển tốt thế này, thực tình gia đình tôi không biết lấy gì để cảm ơn các bác sĩ”, chị Mén nói.
Độc tố gây chết người cực mạnh
Theo Viện Hải dương học Nha Trang, cua mặt quỷ có phần vỏ ngực rộng nhất khoảng gần 90 mm, dài khoảng 55 mm, kích thước cua nhỏ gọn trong lòng bàn tay. Trên mai của có nhiều u lồi dẹt ở ngoài vỏ và màu sắc bắt mắt không giống các loài cua biển thực phẩm.
Cua mặt quỷ khá phổ biến ở các vùng biển Việt Nam. Đây là loài thường trú ngụ dưới rạn san hô, có đặc điểm nhận dạng bên ngoài khá tương đồng với màu san hô biển nên rất khó nhận ra. Cua mặt quỷ cũng được xem là loài cua có độc tố cao nhất trong số các loài cua biển.
Đặc biệt, trong thịt và vỏ của cua mặt quỷ có một lượng lớn chất kịch độc cho hệ thần kinh như Tetrodotoxin và Saxitoxin, có thể gây tử vong cho con người nếu không may ăn phải dù chỉ là liều cực thấp.
Chất độc của cua mặt quỷ hình thành do nguồn thức ăn chính là các loại tảo trong rạn san hô. Sau đó tích tụ chủ yếu trong thịt, trứng và nhiều nhất là trong thịt càng và chân. Ngoài chất độc Saxitonin, cua mặt quỷ còn có thêm hai chất độc khác là Neurotoxin và Tetrodotoxin, tương tự như chất độc trong cá nóc. Các độc tố này đều có độc tính mạnh, tác động trực tiếp tới hệ thần kinh, ức chế hô hấp.
|
Theo bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Dương Thiện Phước, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, “khi người ăn phải thịt cua mặt quỷ, hai chất Tetrodoxin và Saxitoxin được hấp thu nhanh chóng qua đường tiêu hóa trong vòng 5-15 phút, nồng độ đỉnh đạt sau 20 phút. Chỉ cần ăn phải 0,5 gram tức chỉ khoảng 1 muỗng cà phê thịt loài cua này có thể khiến một người trưởng thành tử vong”, BS Phước nói.
Triệu chứng hay gặp nhất của ngộ độc cua mặt quỷ là các dấu hiệu của hệ thần kinh như tay chân tê cứng, tê lưỡi, buồn nôn. Người bị ngộ độc sẽ nhanh chóng tiến triển các triệu chứng toàn thân nặng dần, liệt cơ hô hấp gây suy hô hấp và tử vong.
Hiện chất độc Saxitonin trong cua mặt quỷ vẫn chưa có thuốc giải độc. Người trúng độc nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao. Theo BS Phước, ở Việt Nam có 3 loại cua độc hay bắt gặp đó là cua mặt quỷ, cua đá biển và cua Florida.
“Hầu như các loại này đều có vỏ, mai cua có màu rất sặc sỡ. Để phòng tránh ngộ độc thì cách tốt nhất khi gặp những loại cua sặc sỡ này, người dân cần thận trọng, không nên ăn”, BS Phước nói. BS cũng khuyến cáo trong trường hợp nghi ngờ đã ăn phải các loài cua độc, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đồng thời tìm mọi cách để nôn hết thức ăn vừa ăn ra ngoài.
Khi đến bệnh viện, người ngộ độc sẽ được uống than hoạt tính để hút hết chất độc còn sót lại trong đường ruột và có thể được xem xét rửa dạ dày. Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành điều trị nâng đỡ nếu người ngộ độc có các triệu chứng của hệ thần kinh và suy hô hấp.
Bình luận (0)