Cứu 2 bệnh nhi bị dính khớp sọ phức tạp kèm não úng thủy

27/07/2018 14:10 GMT+7

Bệnh lý dính khớp sọ có tần suất 6/10.000 trẻ, 30-50% trường hợp có thể đi kèm với tật não úng thủy.

Khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 TP.HCM thông tin khoa này vừa phẫu thuật, điều trị thành công 2 bệnh nhi bị dính khớp sọ phức tạp kèm não úng thủy.
Bệnh nhi thứ nhất là T.P (17 tháng tuổi) bị dính khớp trán, não úng thủy, thoát vị não chẩm. Bệnh nhi thứ 2 là bé G.K (13 tháng tuổi), bị dính toàn bộ khớp sọ, não úng thủy.
Dị tật lúc hình thành bào thai
Thạc sĩ, bác sĩ Đặng Đỗ Thanh Cần, Trưởng Khoa Ngoại thần kinh, BV Nhi đồng 2, cho biết dính khớp sọ là một bệnh lý gây ảnh hưởng rất lớn đến chức năng thẩm mỹ, thần kinh, vận động và khả năng sống ở trẻ. Đây là dị tật tương đối ít gặp ở trẻ em, tần suất 6/10.000 trẻ. Nguyên nhân do dính sớm các khớp sọ trong thời kì bào thai.
Theo bác sĩ Cần, việc dính khớp sọ sẽ làm biến dạng hộp sọ ở trẻ. Tùy khớp nào bị dính thì hộp sọ sẽ phát triển bù trừ theo hướng song song với đường khớp đó. Kết quả đầu trẻ sẽ không đều mà bị méo mó, dị dạng theo một hướng nào đó.
Thường gặp là nhất là dính khớp dọc giữa làm cho đầu trẻ dài ra theo chiều trước sau, gọi là tật đầu hình thuyền. Khi dính khớp vành một bên hoặc hai bên sẽ gây đầu bị méo về một bên hoặc bị dẹt sang hai bên.
Ngoài ra, còn một số loại dính khớp sọ ít gặp hơn như dính khớp trán gây tật đầu hình tam giác hay dính khớp lambda gây tật đầu dẹt ở phía sau…
Dị tật này đôi khi kèm với nhiều dị tật khác ở vùng hàm mặt, đường hô hấp trên, ở các chi tạo thành những hội chứng bệnh rất phức tạp. Đặc biệt, dính khớp sọ thể phức tạp có thể đi kèm với tật não úng thủy trong 30-50% trường hợp, nếu càng kéo dài thời gian điều trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chức năng thần kinh và có thể gây tử vong cho trẻ nếu không điều trị kịp thời.
“Dính khớp sọ gây biến dạng hộp sọ là dạng bệnh lý đặc biệt nghiêm trọng, gây mất thẩm mỹ nặng nề, ảnh hưởng tâm lý của bệnh nhân và gia đình, làm tăng áp lực nội sọ sớm, ảnh hưởng thị lực, gây chậm phát triển tâm thần - vận động. Nguy hiểm hơn, có thể khiến bệnh nhân ngưng thở khi ngủ, suy hô hấp tiến triển, tử vong…”, bác sĩ Cần cho biết.
5 năm trước bệnh nhân phải ra nước ngoài
Về điều trị, theo bác sĩ Cần, với bệnh này thì chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ các đường khớp bị dính, tạo hình lại một phần hay toàn bộ hộp sọ, giải phóng sự chèn ép tạo không gian để não bộ phát triển; cải thiện thẩm mỹ cho trẻ sớm, giúp trẻ hòa nhập cuộc sống tốt hơn.
Về mặt chức năng, phẫu thuật giúp cải thiện phát triển tâm thần - vận động theo lứa tuổi, tránh tổn thương thị giác không phục hồi; cứu sống những trẻ bị dính khớp sọ nặng, phức tạp gây tăng áp lực nội sọ sớm.
“Những trường hợp dính khớp sọ đơn thuần, chỉ cần 1 lần mổ tạo hình là có thể mang lại hiệu quả tốt. Trong những trường hợp dính khớp phức tạp, thường cần can thiệp nhiều giai đoạn, bắt đầu từ 3 tháng tuổi cho đến 10 tuổi. Mỗi ca phẫu thuật tạo hình thường kéo dài từ 5-8 giờ”, bác sĩ Cần nói.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc BV Nhi đồng 2, cho biết thêm: hiện nay ở Việt Nam không có nhiều cơ sở y tế thực hiện điều trị bệnh lý này vì tính chất phức tạp cũng như điều kiện phẫu thuật.
Bác sĩ Thạch kể: Khoảng 5 năm trước, nhiều gia đình phải đưa con ra nước ngoài như Mỹ, Singapore để được điều trị với chi phí hàng tỉ đồng và phải đi lại nhiều lần. Nhiều bố mẹ không có điều kiện điều trị đành phải đưa con về và bất lực nhìn con chết dần mòn trong đau đớn.
Mỗi năm phẫu thuật 15 ca dính khớp sọ
Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ từ các đồng nghiệp nước ngoài cũng như tâm huyết và khát vọng mang lại sự bình thường cho các cháu, BV Nhi đồng 2 đã từng bước tiến hành phẫu thuật tạo hình cho bệnh nhi dị dạng sọ mặt. Bắt đầu bằng những buổi hội chẩn tại BV, những buổi sinh hoạt chuyên đề cùng các ca mổ được sự hỗ trợ trực tiếp từ các bác sĩ nước ngoài.
Hiện nay, mỗi năm BV Nhi đồng 2 phẫu thuật 15 ca dính khớp sọ. Theo bác sĩ Thạch, hiện bảo hiểm y tế cũng đã chi trả một phần cho những thiết bị dùng trong phẫu thuật này nên cũng bớt một phần gánh nặng cho gia đình các bệnh nhi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.