Cứu bệnh nhân bị vỡ cơ hoành, gan và các tạng ở bụng trào ngược lên ngực

07/05/2019 12:17 GMT+7

Bệnh nhân bị tai nạn giao thông có hai tổn thương rất nặng là vỡ cơ hoành và tắc tĩnh mạch chủ bụng. Khi cơ hoành bị rách, gan và các tạng trong bụng dịch chuyển, dồn ngược lên ngực.

Hôm nay (7.5), thạc sĩ - bác sĩ Trần Thanh Vỹ, Trưởng khoa Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), cho biết: Bệnh nhân Đ.T.H (52 tuổi, ngụ Bà Rịa-Vũng Tàu) nhập viện trong tình trạng khó thở, da niêm mạc nhợt nhạt, hai chân sưng căng, tím tái.
Chị H. được đưa vào bệnh viện địa phương cấp cứu điều trị sau tai nạn giao thông nghiêm trọng, sau đó được chuyển lên BV ĐHYD.
Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị vỡ cơ hoành phải, gây thoát vị gan lên ngực; huyết khối tắc hoàn toàn tĩnh mạch chủ bụng; dập, rách gan; gãy xương sườn, gãy hai xương cẳng chân phải đã phẫu thuật kết hợp xương. Bệnh nhân được tiên lượng nguy kịch, có nguy cơ tử vong cao.
“Người bệnh có hai tổn thương rất nặng là vỡ cơ hoành và tắc tĩnh mạch chủ bụng. Cơ hoành ngăn cách khoang ngực với ổ bụng, có vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp. Do đó, khi cơ hoành bị rách, gan và các tạng trong bụng sẽ dồn lên ngực, chèn ép tim - phổi, gây khó thở, các cơ quan trong ổ bụng bị dịch chuyển gây vặn xoắn, thiếu máu dẫn đến hoại tử. Tĩnh mạch chủ bị tắc, máu bị ứ trệ dẫn đến hai chân bị sưng phù và có nguy cơ hoại tử. Ngoài ra, máu cục trong lòng tĩnh mạch có thể bong và trôi về tim, làm tắc mạch phổi gây suy hô hấp và nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Vỹ giải thích cụ thể.
Trước tình trạng trên, các bác sĩ BV ĐHYD đã hội chẩn toàn viện, với sự chủ trì của Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trương Quang Bình, Phó giám đốc BV ĐHYD. Đây là ca bệnh cần phối hợp của nhiều chuyên khoa trong phẫu thuật và chăm sóc hậu phẫu.
Bệnh nhân được can thiệp tim mạch đặt lưới lọc vào tĩnh mạch chủ để ngăn cản khối máu đông đi lên tim - phổi. Quá trình này được thực hiện với máy chụp mạch xóa nền (DSA). Sau đó, ê kíp lồng ngực - mạch máu tiến hành phẫu thuật mở ngực - bụng, khâu tái tạo cơ hoành và đưa các tạng “đi lạc” về lại khoang bụng.
Đồng thời, lấy nhiều huyết khối phục hồi lưu thông tĩnh mạch chủ dưới.
Bệnh nhân được cứu sống và hiện thời đã hồi phục sức khỏe.
Theo bác sĩ Vỹ, vỡ cơ hoành do chấn thương rất ít gặp, có tỉ lệ tử vong khá cao từ 12 - 42%. Vỡ cơ hoành phải thường ít gặp hơn bên trái, nên dễ bị bỏ sót.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.