Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Bá Thắng, Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), Phó chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM: Đột quỵ là bệnh tổn thương não bộ do mạch máu bị hư tổn. Khi mạch máu não bị tắc nghẽn, não sẽ bị thiếu máu.
tin liên quan
Hãy dành vài phút để biết cách cứu người bị đột quỵ“Cứ mỗi phút trôi qua sẽ có thêm gần 2 triệu tế bào thần kinh chết đi. Chính vì vậy tất cả mọi người đều phải chạy đua với thời gian để cứu tế bào não vì “mất thời gian là mất não”, bác sĩ Thắng nhấn mạnh.
Hội Đột quỵ Thế giới ước tính, cứ mỗi 6 người sẽ có 1 người bị đột quỵ. Tại Việt Nam, các thống kê cho thấy, mỗi năm có 200.000 người bị đột quỵ. Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ với bất kì ai, không phân biệt tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp và tình trạng sức khỏe.
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng thời gian từ lúc người bị đột quỵ được đưa tới bệnh viện đến khi hoàn tất mọi việc và tiêm thuốc tan cục máu (gọi là thời gian cửa-kim) cần đạt dưới 60 phút.
“Người bị đột quỵ phải được nhận biết nhanh chóng và đưa đến bệnh viện kịp thời thì mới có thể cấp cứu hiệu quả. Thuốc tan cục máu chỉ dùng được trong vòng 4,5 giờ và can thiệp lấy huyết khối cũng chỉ trong vòng 6 giờ kể từ khi bệnh khởi phát”, bác sĩ Thắng khuyến cáo.
Do đó, các bác sĩ cảnh báo một số quan niệm sai lầm khi cấp cứu bệnh nhân đột quỵ người dân cần tránh, gồm: trích máu, nặn máu ở đầu ngón tay, dái tai, bấm huyệt, châm cứu... Các biện pháp này đều không có hiệu quả mà lại làm mất “thời gian vàng”, đến khi đưa bệnh nhân đến viện thì đa số đã muộn.
Bình luận (0)