Ngày 4.7, bác sĩ Mã Nhơn Khiêm, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện (BV) đa khoa Cà Mau (Cà Mau), cho biết tập thể y bác sĩ của khoa đã cứu sống bệnh nhân (BN) bị nhược cơ nặng bằng kỹ thuật thay huyết tương.
Cũng theo bác sĩ Khiêm, đây là lần đầu tiên các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực - chống độc BV đa khoa Cà Mau đã thực hiện thành công kỹ thuật thay huyết tương điều trị cho nữ BN bị nhược cơ, khiến các cơ hô hấp bị yếu, khó thở được.
Trước đó, BN Ph.Th.C. (54 tuổi) nhập viện cấp cứu tại BV đa khoa Cà Mau trong tình trạng khó thở. Sau đó, BN Ph.Th.C., được đưa vào Khoa Nội thần kinh điều trị được 6 ngày, thì tình trạng khó thở ngày càng tăng, suy hô hấp nặng do liệt cơ hô hấp.
BN được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, ngay lập tức BN được đặt ống nội khí quản, thở máy qua ống nội khí quản, điều chỉnh các rối loạn về hô hấp và huyết động.
Khai thác nhanh bệnh sử của nữ BN có điều trị nhược cơ cách nay hơn 5 năm (không rõ nguyên nhân gây nhược cơ). Đồng thời, BN được khẩn trương làm các xét nghiệm chẩn đoán, điều trị tích cực. Các bác sĩ chẩn đoán BN bị nhược cơ nặng, tính mạng BN có thể bị đe dọa khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn nặng hơn, gây ra nhược cơ hô hấp dẫn tới suy hô hấp và tử vong.
Qua hội chẩn, tập thể y bác sĩ đã quyết định áp dụng kỹ thuật thay huyết tương cho bệnh nhân với hy vọng cải thiện tình trạng nhược cơ, BN sống không phải phụ thuộc máy thở.
"Thay huyết tương (Plasma exchange - PEX) trong bệnh lý cơn nhược cơ nặng là phương pháp loại bỏ các kháng thể tự miễn có trong bệnh lý nhược cơ ra khỏi cơ thể cùng với huyết tương và được thay thế bằng huyết tương mới. Do đó làm cải thiện tình trạng yếu cơ và giúp cho người bệnh được hồi phục nhanh cơ lực", bác sĩ Khiêm giải thích thêm.
Sau 3 lần thay huyết tương, đến nay BN C. không phải thở máy, rút ống nội khí quản và tự thở. Hiện BN đã thở tốt, ăn uống không sặc, sinh hoạt đi lại bình thường và vừa xuất viện.
Bình luận (0)