Cứu sống bệnh nhân vừa xuất huyết tiêu hóa vừa nhồi máu cơ tim cấp

24/02/2020 20:58 GMT+7

Các bác sĩ (BS) ở Cần Thơ vừa can thiệp cứu sống một ca bệnh hy hữu: bệnh nhân vào viện cấp cứu do xuất huyết tiêu hóa đã bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim cấp rất nặng.

Chiều 24.2, BS chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết: các BS Khoa Nội tiêu hóa - Nội soi và Khoa Tim mạch can thiệp của bệnh viện vừa can thiệp cứu sống một bệnh nhân cùng lúc mắc hai bệnh lý cấp cứu rất nặng là xuất huyết tiêu hóa dưới và nhồi máu cơ tim cấp.
Bệnh nhân là ông N.V.V (65 tuổi, ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) trước đó vào viện vì đi tiêu máu đỏ bầm nhiều lần. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, hút thuốc lá, có cơn đau thắt ngực khi gắng sức nhưng không khám và điều trị.
Ngay sau khi vào viện, bệnh nhân được điều trị và theo dõi sát tình trạng xuất huyết tiêu hóa và lên kế hoạch nội soi tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau nhập viện, ông V. đột ngột tiêu máu đỏ tươi lượng nhiều kèm đau ngực trái.
Bệnh nhân được thực hiện xét nghiệm cấp cứu đo điện tâm đồ, men tim, siêu âm tim. Qua hội chẩn nhiều chuyên khoa, bệnh nhân được chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên kèm xuất huyết tiêu hóa dưới đang tiến triển.
Lúc này các BS phải cân nhắc để ưu tiên xử trí từng bệnh lý sao cho bảo toàn được tính mạng cho bệnh nhân. Nếu can thiệp tim mạch trước, bệnh nhân sẽ có nguy cơ không thể dùng được thuốc kháng kết tập tiểu cầu kép khi tình trạng xuất huyết tiêu hóa tiến triển; đồng thời sẽ có nguy cơ tắc stent mạch vành và khả năng tử vong rất cao.
Hơn nữa tình trạng bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh lên chưa tới mức phải cấp cứu khẩn cấp tức phải cấp cứu trước 2 giờ bệnh khởi phát. Do vậy, các BS đã đưa ra lựa chọn tối ưu là giải quyết nguyên nhân xuất huyết tiêu hóa dưới trước.
Ngay sau đó, ê kíp gồm BS.CK1 Nguyễn Bảo Phước (Khoa Nội soi) thực hiện đã nội soi cho bệnh nhân và phát hiện trực tràng của bệnh nhân có nhú mạch máu to đang chảy. Ê kíp đã cầm máu. Sau 5 phút, tình trạng xuất huyết tiêu hóa của bệnh nhân được ngăn chặn và ổn định. 

Hình ảnh mạch vành của bệnh nhân N.V.V bị tắc nặng kèm huyết khối trước và sau khi được can thiệp đặt stent tái thông máu

Ảnh: Đình Tuyển

Khoảng 3 giờ sau cầm máu được đường tiêu hóa, bệnh nhân tiếp tục được đưa tới phòng thông tim để can thiệp tim mạch. Ê kíp can thiệp mạch vành do BS.CK1 Nguyễn Văn Nhiệm, BS Dương Hoàng Mẫn (Khoa Tim mạch can thiệp) đã chụp mạch vành cấp cứu.
Ê kíp can thiệp san thương động mạch vành phải bằng nong bóng và đặt stent cho bệnh nhân. Sau khoảng 30 phút, ca can thiệp thành công, máu đã được tái thông trở lại.
Hiện tại, bệnh nhân tiếp xúc tốt, niêm hồng, không có tình trạng xuất huyết tiêu hóa tái phát, hết đau ngực và tiếp tục điều trị tại Khoa Tim mạch can thiệp và dự kiến ra viện trong vài ngày tới.

Lưu ý bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nhồi máu cơ tim

Theo BS.CK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, việc bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa dẫn đến nhồi máu cơ tim là một bệnh cảnh hiếm gặp, đòi hỏi người BS phải đánh giá và xử trí thận trọng.
Việc chẩn đoán nhồi máu cơ tim do xuất huyết tiêu hóa vẫn còn nhiều khó khăn. Đa phần các dấu hiệu gợi ý nhồi máu cơ tim bị che lấp bởi các triệu chứng ồ ạt của xuất huyết tiêu hóa. Dẫn đến dễ bị bỏ sót chẩn đoán quan trọng là nhồi máu cơ tim.
“Điều trị đồng thời cả xuất huyết tiêu hóa và nhồi máu cơ tim cấp là một thách thức cho người BS khi biện pháp điều trị của bệnh này có thể xem là chống chỉ định của bệnh kia. Ví dụ như việc sử dụng tiêu sợi huyết, kháng đông hay kháng tiểu cầu kép khi điều trị nhồi máu cơ tim có nguy cơ làm nặng thêm tình trạng xuất huyết. Ngược lại việc bù dịch nhanh và nhiều, sử dụng thuốc co mạch hay nội soi tiêu hóa cũng có thể làm xấu hơn tình trạng nhồi máu cơ tim của bệnh nhân. Do vậy điều trị phải nắm rõ tình trạng bệnh nhân, tinh chỉnh thật khéo các phương pháp điều trị, đảm bảo an toàn cho bệnh nhân”, BS Phong nói.
BS Phong khuyến cáo việc nhận biết sớm bệnh mạch vành để phòng ngừa và kịp thời điều trị là hết sức cần thiết để hạn chế các biến chứng xấu có thể xảy ra. Đặc biệt là với những người có tiền sử bị các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu..., người hút thuốc lá lâu năm, béo phì, người mà trong gia đình có người trực hệ (bố mẹ, anh chị em ruột) mắc bệnh mạch vành... là những đối tượng có nguy cơ cao cần được tầm soát bệnh mạch vành để phát hiện bệnh trong giai đoạn sớm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.