Đấu thầu thuốc kiểu ‘xả láng’

07/05/2018 07:32 GMT+7

Dùng với số lượng nhiều nhất nhì cả nước, ngành y tế TP.HCM vẫn liên tục mua thuốc với giá cao hơn so với các địa phương khác và chênh lệch lên đến hàng chục tỉ đồng, nhưng biện pháp khắc phục thì mù mờ, trách nhiệm kiểm soát bị bỏ lơ.

Mùa đấu thầu thuốc (ĐTT) tập trung năm 2015 - 2016, ngành y tế TP.HCM mua hàng với giá cao hơn giá các tỉnh khác với số tiền chênh lệch nhiều tỉ đồng và các bệnh viện (BV) có nguy cơ bị quỹ bảo hiểm y tế thu hồi. Tiếp tục mùa ĐTT riêng lẻ 2016 - 2017, TP.HCM yêu cầu các công ty ký cam kết bán giá không được chênh lệch quá 5% so giữa các BV trên cùng địa bàn (tính theo giá bán thấp nhất). Mùa này, ngành y tế TP.HCM chỉ giữ lại 106 loại thuốc đấu thầu tập trung, còn lại trả về cho các BV để đấu thầu riêng lẻ. Và khi kết thúc thì việc bán giá cao hơn 5% vẫn xảy ra với số tiền chênh lệch lên đến hàng chục tỉ đồng.

Mua đắt hơn nhiều lần
BV Da liễu mua 15 loại thuốc có giá vượt 5% với tổng cộng khoảng 25 - 30 triệu đồng. Cụ thể, thuốc Paracetamol Kabi 1000 do Công ty TNHH thương mại dược phẩm Thiên Châu A.P.T trúng thầu vào BV với giá 19.950 đồng/chai (lọ), số lượng 100 chai, vượt giá 5% mà BV khác mua là 1.318 đồng/chai; thuốc mỡ Tacropic do Công ty TNHH thương mại Phú Hoàng Đạt trúng thầu 1.000 tuýp, giá 214.900 đồng/tuýp, vượt hơn 5% so với giá thấp nhất 9.100 đồng/tuýp; thuốc Goncal Công ty cổ phần Gon Sa trúng thầu vào BV là 140.000 viên với giá 1.950 đồng/viên, giá vượt 5% so với giá thấp nhất là 60 đồng/viên... BV Q.6 báo cáo 12 loại thuốc mua sắm năm 2016 với tổng số tiền vượt 5% là hơn 92 triệu đồng.
Bác sĩ Nguyễn Đình Hưng, Giám đốc BV Q.Tân Phú (TP.HCM), cho biết BV mua 33 loại thuốc cao hơn 5% nhưng có nhiều loại thuốc bảo hiểm y tế so sánh giá chưa chính xác. Mặc dù BV chưa nêu tổng số tiền chênh lệch là bao nhiêu, nhưng trong báo cáo gửi Sở Y tế có nhiều loại thuốc mua giá chênh lệch rất cao. Cụ thể, thuốc Avamys Nasal Spray Sus 17.5 mcg 120’s (bình xịt) BV mua với giá 210.000 đồng, trong khi đó BV khác mua chỉ với 173.191 đồng/bình; thuốc tuýp Fucidin Cre 2% 15g, BV mua với giá 68.250 đồng, BV khác mua chỉ có 48.200 đồng...
Bác sĩ Nhan Tô Tài, Giám đốc BV Q.12, báo cáo BV có 23 loại thuốc mua vượt giá 5% so với giá thấp nhất theo quy định với tổng số tiền vượt là trên dưới 200 triệu đồng. Trong đó, BV mua loại thuốc Lipistad 20 mg với số lượng 50.000 viên, giá 3.780 đồng/viên, trong khi nơi khác cùng loại chỉ có 1.000 đồng/viên. Tổng giá tiền mua thuốc chỉ có 189 triệu đồng nhưng số tiền vượt 5% phải trả lại là 136,5 triệu đồng. Loại thuốc này BV Q.12 mua cao gấp gần 4 lần so với giá thấp nhất. Còn nhiều loại thuốc nữa BV Q.12 mua giá rất cao.
Tại BV Nhi đồng 1 có 17 loại thuốc mua cao hơn 5% theo quy định với tổng số tiền phải thu hồi là trên 200 triệu đồng. Trong đó loại nước cất pha tiêm BV mua với giá 8.400 đồng, cao hơn giá thấp nhất 1.785 đồng, số lượng mua lên đến 91.667 chai, số tiền cao hơn 5% thuộc diện mà theo quy định phải thu hồi, đàm phán lấy lại lên đến 163 triệu đồng. “BV đang tiến hành mời các công ty có sản phẩm vượt 5% thực hiện hiệu chỉnh giá thuốc trúng thầu, có nhà thầu chịu hạ giá và khi thực hiện xong sẽ báo cáo kết quả đến Sở Y tế”, TS-BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Đấu thầu nhưng... không biết giá
Theo ông Nguyễn Văn Dũng (Trưởng phòng Nghiệp vụ dược - Sở Y tế TP.HCM), ĐTT riêng lẻ có nhược điểm là chênh lệch giá cùng một sản phẩm, cùng một công ty đấu thầu. Nhưng trên cùng một địa bàn mà chênh lệch nhiều là bất thường nên Sở Y tế TP tham mưu cho UBND TP ban hành quy định khống chế.
Ngày 25.5.2016, UBND TP có công văn chỉ đạo giá thuốc trúng thầu ở các cơ sở y tế công lập TP không cao hơn 5% so với giá thuốc cùng tên thương mại trúng thầu thấp nhất của các cơ sở y tế công lập TP trong khoảng thời gian 6 tháng của đợt ĐTT hằng năm. Tuy nhiên, sau đó Bảo hiểm hiểm xã hội (BHXH) TP có công văn gửi Sở Y tế TP thông báo danh sách các thuốc có chênh lệch giá cao hơn 5% giữa các hội đồng ĐTT riêng lẻ là 47 tỉ đồng và đề nghị Sở Y tế sớm có chỉ đạo việc này. Ông Nguyễn Văn Dũng cho biết Sở Y tế đã chỉ đạo các BV đàm phán với các công ty để thu hồi hoặc giảm giá thuốc...
Bà Lưu Thị Thanh Huyền, Phó giám đốc BHXH TP, cho biết nếu theo kết quả trúng thầu mà các BV báo về số lượng thì cho ra con số là 47 tỉ đồng chênh lệch. Đây mới là con số trúng thầu, còn phải xem xét thực tế số sử dụng là bao nhiêu chứ chưa kết luận được. Hiện chưa thực hiện điều chỉnh vì chưa có sự đồng thuận của Sở.
Giải thích về loạn giá của các công ty dù đã có quy định khống chế chênh lệch tối đa 5%, ông Dũng cho rằng khi đấu thầu sẽ không biết thuốc có giá bao nhiêu mà đến khi có kết quả trúng thầu, cơ quan BHXH sẽ ngồi xem giá (sau 6 - 8 tháng kể từ khi trúng thầu) thì mới phát hiện được chứ các BV không thể biết. Bởi vì một nhà thầu bỏ thầu mỗi nơi mỗi giá, giá bỏ ở hội đồng trước chắc chắn bị lộ nên đấu thầu lần sau nhà thầu sẽ bỏ giá khác. Nhà thầu bỏ giá giăng lưới kiểu lọt chỗ này thì còn chỗ khác. Vậy ai chịu trách nhiệm mua - bán giá cao hơn quy định 5%? Theo ông Dũng là do nhà thầu, vì chỉ có nhà thầu mới biết giá mình bỏ bao nhiêu.
Các bệnh viện của TP.HCM mua thuốc với giá đắt hơn nhiều so với các địa phương khác Ảnh: Đ.N.Thạch

Còn theo đại diện BV Nhi đồng 1 thì khi đấu thầu BV có tham khảo giá nhưng không thể biết hết được, chỉ nhà thầu mới biết giá mình bỏ là bao nhiêu. Theo lý giải của BV Q.Tân Phú BV chỉ mua áp thầu theo kết quả trúng thầu của BV khác, BV không thể biết công ty bán nơi nào giá thấp, nơi nào giá cao mà chỉ căn cứ vào kết quả lựa chọn nhà thầu của BV khác, nếu TP không có thì áp thầu các tỉnh lân cận.
Cấm đấu thầu lần sau?
“Trong hồ sơ mời thầu các nhà thầu đã đồng ý theo quy định thì bắt buộc phải hạ giá xuống còn chênh lệch không quá 5%. BV và nhà thầu phải ngồi lại thương thảo, nếu nhà thầu vẫn không chịu giảm giá thì Sở Y tế sẽ giúp các BV. Nếu cuối cùng nhà thầu vẫn không giảm giá xuống bằng 5% thì Sở Y tế xem xét không cho tham gia thầu lần sau”, ông Dũng nói.
Bà Huyền thì cho rằng 47 tỉ đồng chẳng qua là tiết kiệm cho quỹ bảo hiểm y tế. Việc thu hồi là theo chỉ đạo của UBND TP. Các nhà thầu khi tham gia cuộc chơi phải chấp nhận vấn đề này. Sau khi BHXH thông báo, Sở Y tế và các BV có trách nhiệm thông báo cho công ty điều chỉnh giá xuống còn không quá 5%. Nếu công ty không thực hiện điều chỉnh thì năm sau không được tham gia đấu thầu nữa”, bà Huyền nói.
Cần đi đến tận cùng nguyên nhân
Ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc BHXH VN, cho biết TP.HCM là 1 trong 29 tỉnh, thành còn “tồn đọng”, chưa được cơ quan BHXH thanh toán tiền với một số thuốc do thực hiện đấu thầu theo Thông tư 10, thay vì thực hiện theo Thông tư 01. Theo Thông tư 01, một thuốc chỉ được trúng thầu một mức giá, trong khi đấu thầu theo Thông tư 10 thì một thuốc lại trúng thầu với giá khác nhau.
Theo ông Sơn, việc từ chối thanh toán đều phải trên nguyên tắc, các quy định hiện hành, BHXH không thể tự đặt ra quy định. Các BV, các sở y tế thực hiện ĐTT cần thực hiện đúng. Trước khi đấu thầu thì đều đã có giá kế hoạch được phê duyệt, sau khi đấu thầu thì các BV cũng đều phải công khai giá trúng thầu. Các BV hoàn toàn có thể kiểm tra, so sánh giá trúng thầu không để rơi vào tình trạng chấp nhận mua thuốc giá cao hơn các đơn vị bạn. Cần đặt câu hỏi, vì sao cùng thuốc đó mà BV khác lại mua giá thấp hơn với cùng một quy chế đấu thầu? Do đó, cần đi đến tận cùng nguyên nhân, làm rõ việc các BV không được thanh toán tiền với một số thuốc và BHXH các địa phương cũng sẽ trả lời thỏa đáng vấn đề này.
Liên Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.