Đầu tư tiền tỉ, bệnh nhân vẫn... lèo tèo

20/05/2019 04:53 GMT+7

Nằm gần các bệnh viện, cơ sở y tế lớn, nên các trạm y tế tại TP.HCM đìu hiu, gần như không có người bệnh.

Thực tế trên dẫn đến ý kiến: Có nên tồn tại các trạm y tế (TYT) phường?

Vắng bóng bệnh nhân

9 giờ ngày 9.5, PV Thanh Niên đến TYT P.9 (Q.10), đối diện Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 và gần đó còn có BV Nhân dân 115, BV Q.10... Tại trạm đang có 3 - 4 nhân viên, nhưng không có bệnh nhân (BN) nào. PV xin gặp trưởng trạm thì người này đang đi với đoàn liên ngành kiểm tra thực phẩm.
Lúc trước cũng có BN là trẻ em và người lớn tuổi đến khám, nhưng dần dà ít người đến vì thiếu… thuốc. BN đến khám xong phải lên BV quận nhận thuốc nên ít người đến
Một nhân viên Trạm y tế P.9 (Q.10, TP.HCM)
Theo các nhân viên, trạm có 5 người, gồm 1 bác sĩ (BS) trẻ mới ra trường. Mỗi tháng nơi này khám 30 - 35 BN, gần 80 ca bệnh mãn tính, tiêm chủng 50 trẻ; còn lại công việc chủ yếu là làm chương trình quốc gia và chống dịch, mỗi người “ôm” 3 - 4 mảng.
“Lúc trước cũng có BN là trẻ em và người lớn tuổi đến khám, nhưng dần dà ít người đến vì thiếu… thuốc. BN đến khám xong phải lên BV quận nhận thuốc nên ít người đến”, một nhân viên nói.
Trước đó, ngày 8.5, PV đến TYT P.12 (Q.5), chỉ cách BV Chợ Rẫy vài chục bước chân và rất gần BV Răng Hàm Mặt T.Ư, BV Đại học Y Dược, BV Hùng Vương... 14 giờ, tại đây không một bóng BN ra vào, bên trong 2 nhân viên ngồi nói chuyện. Trưởng TYT đang họp trên phường.
Theo các nhân viên, trạm có 5 người, chủ yếu làm các chương trình quốc gia như tiêm vắc xin, chống dịch, quản lý bệnh mạn tính...; còn khám chữa bệnh (KCB) thì lâu lâu mới có người đến rửa vết thương, thay băng… và 1 tháng tổng cộng chỉ KCB, tiêm chủng cho khoảng 40 người. Trong tủ thuốc của trạm có vài viên giảm đau hạ sốt, thuốc cấp cứu... 
Tủ thuốc của trạm y tế thường chỉ có ít thuốc giảm đau hạ sốt, thuốc cấp cứu
“Muốn KCB cũng không được vì trạm không có BS chỉ định”, nhân viên ở trạm nói và cho biết họ phải làm các chương trình y tế nhưng mỗi tháng lương chưa đến 6 triệu đồng; một ngày đêm trực chỉ có 25.000 đồng.
“Thay băng 70.000 đồng/lần, nhưng trạm chưa bao giờ dám lấy 70.000/lần nên kêu BN ra ngoài mua bông băng, trạm chỉ lấy tiền công 20.000 đồng/người. Còn đo huyết áp thì miễn phí. BN đến TYT chủ yếu là người nghèo”, y sĩ Nguyễn Thanh Thảo, Trạm trưởng TYT P.12 (Q.5), chia sẻ.
10 giờ ngày 15.5, TYT P.Bến Thành (Q.1, cách BV đa khoa Sài Gòn không xa) không một BN. Y sĩ Trương Thị Thanh Thúy, Trưởng trạm, cho biết trạm có 7 người, bao gồm 1 BS. Mỗi ngày trạm KCB 7 - 8 người như viêm họng, cao huyết áp, chăm sóc vết thương… Khi không có BN thì mọi người ở đây làm các chương trình quốc gia. Do trạm chưa ký hợp đồng với bảo hiểm y tế nên BN đến khám thì được kê toa và ra ngoài mua thuốc. Nhân viên kiêm nhiệm nhiều việc, có người vừa làm xét nghiệm, kiêm thủ quỹ thu tiền và làm luôn các chương trình quốc gia, kể cả trưởng trạm cũng làm đủ thứ, nhưng lương người cao nhất chỉ 6 - 7 triệu đồng/tháng, còn trung bình là 4 - 5 triệu đồng/tháng. Gần 11 giờ có một nam BN đến TYT hỏi thuốc viêm họng, được BS khám, kê toa và đề nghị… ra ngoài mua thuốc. Tiền khám miễn phí. Từ sáng đến 11 giờ ngày 15.5, TYT P.Bến Thành phục vụ 3 BN đến KCB.

Lãng phí nếu không đổi mới cách làm

Trước thực trạng các TYT phát triển không đồng đều, đặc biệt là TYT trung tâm TP vắng BN, mới đây, tại buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM lấy ý kiến góp ý về 8 năm thực hiện luật KCB, có đại biểu cho biết nhiều cử tri thắc mắc TP.HCM có nên giữ mỗi phường/xã có một TYT không, vì các BV trên địa bàn dày đặc?
PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, giải thích: TP có 319 TYT phường/xã trực thuộc 24 trung tâm y tế quận, huyện. Ngoài chức năng KCB ban đầu, các TYT còn nhiều chức năng: phòng chống dịch bệnh, y tế công cộng, quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia và lập hồ sơ và quản lý sức khỏe điện tử của từng người dân trên địa bàn. “Mỗi TYT trung bình có 6 - 7 nhân viên, với một khối lượng công việc không nhỏ.
Việc tồn tại TYT cho mỗi phường, xã là bắt buộc, thậm chí cần bổ sung nhân lực cho TYT theo quy mô dân số của mỗi phường, xã vì sắp tới việc quản lý hồ sơ sức khỏe sẽ quản lý tại TYT nên khối lượng công việc rất lớn”, ông Thượng nói.
Tồn tại là “bắt buộc”, nhưng cứ để TYT đìu hiu BN vậy có lãng phí? PGS-TS Thượng cho rằng cách cũ trong hoạt động KCB tại các TYT làm mất niềm tin và khó thu hút người dân đến KCB ban đầu. Đó là do không có BS thường trực tại TYT.
Thứ đến là thiếu phương tiện chẩn đoán, thiếu thuốc nên TYT phải giới thiệu người bệnh đến BV để lãnh thuốc; phân công cố định BS về TYT công tác, nhưng do thu nhập thấp nên khó tuyển và khó giữ chân; BS công tác KCB tại TYT cảm giác “đơn lẻ một mình” trong hoạt động KCB; chưa đa dạng hóa phương thức KCB...
“Sở Y tế TP cũng đã họp các chuyên gia đầu ngành để đánh giá và kết luận: TYT có nhiều chức năng quan trọng và cần phải có hoạt động KCB, như quản lý bệnh mạn tính không lây nhiễm (tăng huyết áp, tiểu đường...), các chương trình mục tiêu quốc gia (lao, phong, HIV, tâm thần), chương trình tiêm chủng, y tế học đường, dinh dưỡng cộng đồng...; nhưng phải đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng KCB. Muốn vậy đòi hỏi phải có nguồn lực, lộ trình thực hiện và dứt khoát không làm theo cách cũ”, ông Thượng nói.
Cụ thể, theo lãnh đạo Sở Y tế, sẽ đổi mới hoạt động TYT theo nguyên lý y học gia đình. Tại các TYT được chọn thí điểm, đầu tư đồng bộ từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nhất là nguồn nhân lực BS, kết nối BS của TYT với BS chuyên khoa tại các BV tuyến trên. Khi thí điểm hiệu quả thì sẽ triển khai cho các TYT còn lại.
Đầu tư tiền tỉ, bệnh nhân vẫn... lèo tèo
Tại TP.HCM, TYT P.Tân Quý (Q.Tân Phú) được Bộ Y tế chọn làm TYT điểm đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. TYT này được đầu tư bài bản, có 2 BS trực KCB để thu hút BN, nhưng quý 1/2019 trạm chỉ khám được 1.573 BN, tính ra mỗi ngày chỉ có khoảng 17 BN.
Ngoài TYT P.Tân Quý được Bộ Y tế đầu tư thì ngành y tế TP.HCM cũng chọn 23 TYT ở 23 quận/huyện để thí điểm mô hình tương tự, mỗi TYT được đầu tư 1,7 tỉ đồng sửa chữa cơ sở vật chất, chưa kể đầu tư trang thiết bị. TYT P.13 (Q.Bình Thạnh) là nơi đầu tiên của TP thí điểm và từ tháng 11.2018 đến nay mỗi ngày trung bình tại TYT này có 20 - 30 BN đến KCB. Ngoài ra còn các BN vãng lai đến trị cảm sốt, đau dạ dày, khớp… “Trước giờ người dân không biết TYT làm gì nên không đến và TYT chủ yếu là tiêm chủng. Sau này, khi trạm được đầu tư, mỗi ngày có 2 - 3 BS trực KCB thì BN biết và đến từ từ. Qua hoạt động cho thấy TYT rất cần thiết cho người già, người neo đơn”, BS Lê Hoài Nam, Trưởng TYT P.13 (Q.Bình Thạnh), nói.
Một mô hình khác được TP cho thí điểm là xã hội hóa TYT. Phòng khám đa khoa DHA Medic đầu tiên đặt tại TYT P.11 (Q.3) và sau đó mở rộng ra một số quận huyện khác. Tuy nhiên, đến nay số BN đến các điểm này vẫn chưa được như kỳ vọng.
Thực tế nêu trên đặt ra cho TP bài toán đổi mới TYT cần được cân nhắc kỹ hơn, nếu không sẽ lại trở nên lãng phí.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.