Dịch sởi bùng phát, làm sao để phòng ngừa và phát hiện bệnh?

16/01/2019 11:57 GMT+7

Ngay trong tháng 1.2019, số người phải nhập viện vì bệnh sởi đang gia tăng mạnh. Bệnh nhân sởi có cả trẻ em và người lớn. Điều đáng lo ngại là hầu hết đều là những người không tiêm chủng hoặc tiêm sởi không đủ mũi.

Các chuyên gia y tế đánh giá, năm nay theo chu kỳ, bệnh sởi có khả năng bùng phát dịch mạnh (đợt dịch sởi bùng phát gần đây nhất là vào năm 2014). Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo người dân cách phòng bệnh và phát hiện bệnh. Đặc biệt là thời gian bệnh sởi đang tăng mạnh lại cận Tết.

Triệu chứng bệnh sởi

Bệnh sởi xảy ra ở mọi đối tượng cả người lớn, trẻ em, phụ nữ có thai (trẻ sơ sinh và có cả bệnh nhân đã 79 tuổi).
Theo khuyến cáo của Phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM), sởi (hay còn gọi là ban đỏ) là bệnh do vi rút gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Sởi là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất.
Vi rút sởi lây lan qua không khí. Khi bệnh nhân ho hoặc hắt hơi sẽ phát tán rất nhiều vi rút sởi ra ngoài.
Bệnh bắt đầu bằng triệu chứng sốt. Sau đó xuất hiện các triệu chứng ho, hắt hơi, đỏ mắt và phát ban.
Cụ thể, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết: Trẻ bệnh sởi thường sốt cao dần, ngày càng cao, kèm ho sổ mũi nhiều. Sau sốt 2 -3 ngày bắt đầu phát ban. Ban ra dần từ mặt xuống chân. Khi ra ban trẻ vẫn còn sốt rất cao và ho nhiều, có trẻ còn kèm tiêu chảy.

Sởi (hay còn gọi là ban đỏ) là bệnh truyền nhiễm dễ lây nhất, lây qua đường hô hấp

Phòng nghiệp vụ Y (Sở Y tế TP.HCM)

Sởi gây ra nhiều biến chứng, trẻ càng nhỏ, càng dễ biến chứng. Biến chứng từ nhẹ như tiêu chảy, viêm tai giữa đến biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, tiêu ra máu, lâu ngày làm suy dinh dưỡng còi cọc.
Biến chứng thường gặp của bệnh sởi là viêm phổi (27%).
Bệnh nhân có các biến chứng nghiêm trọng có tỉ lệ tử vong cao.

Phòng ngừa bệnh sởi

Bác sĩ Khanh khuyến cáo, phòng bệnh sởi rất quan trọng. Để phòng bệnh lây lan cần thực hiện các biện pháp:
Cách ly trẻ bệnh, ít nhất 4 ngày sau khi ra ban.
Rửa tay thường xuyên. Rửa tay đúng rất quan trọng kể cả với người lớn.
Theo khuyến cáo của Sở Y tế TP.HCM: “Bệnh nhân sởi điều trị ngoại trú cần phải được cách ly ở nhà (với các thành viên khác) để tránh lây lan trong gia đình và cộng đồng.
Mọi người nhiễm vi rút sởi đều có biểu hiện lâm sàng. Vì thế cách ly triệt để người mắc và nghi ngờ mắc sởi khi có biểu hiện sốt, phát ban sẽ giảm được 50% nguy cơ dịch lan rộng”.
"Đặc biệt, chích ngừa được xem là cách phòng bệnh sởi an toàn và hiệu quả nhất. Vắc xin sởi an toàn và hiệu quả, các tác dụng ngoài ý (nếu có) thường nhẹ", Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo.

Chích ngừa sởi ở trẻ

“Phụ huynh không cho trẻ bỏ chích mũi sởi đơn lúc 9 tháng. Nếu do bệnh mà trẻ không chích được đúng tháng thì phụ huynh cho trẻ chích sau đó càng sớm càng tốt, trễ ít tốt hơn trễ nhiều, trễ còn hơn không”, bác sĩ Khanh khuyên.
Bác sĩ Khanh hướng dẫn thêm: Nếu một số nơi đồng ý chích vắc xin “3 trong 1” (sởi, quai bị, rubella) lúc 9 tháng thì trẻ có thể chích “3 trong 1” nhưng phải chích nhắc lúc 12 - 15 tháng.
Sau khi chích mũi vắc xin sởi đơn thì đến 12 - 15 tháng, trẻ có thể chích vắc xin “3 trong 1” để ngừa thêm quai bị và rubella và nên chích nhắc “3 trong 1” lúc 3 - 5 tuổi khi đi học mẫu giáo.
Chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia có chích vắc xin “2 trong 1” (sởi, rubella) để nhắc sởi và ngừa thêm rubellla cho trẻ 18 tháng.
Hiện nay, một số nơi cũng có chiến dịch tiêm vét sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại trường hay tại trạm y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.