Điều gì sẽ xảy ra nếu không tạo được vắc xin chống Covid-19?

08/05/2020 00:05 GMT+7

Nhiều nhà khoa học trên thế giới đang chạy đua để phát triển vắc xin trị bệnh Covid-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra. Tuy nhiên, thế giới sẽ ra sao nếu không tạo ra được loại vắc xin đó?

Hiện tại, các nhà khoa học đang thực hiện hơn 70 thí nghiệm vắc xin trên khắp thế giới. Một số chuyên gia cho rằng có thể mất đến 2 năm thì vắc xin mới có thể hoàn chỉnh, theo Global News.

Sẽ ra sao nếu không có vắc xin?

Trong trường hợp không tạo ra được vắc xin trị Covid-19, nếu muốn đại dịch kết thúc thì cần phải có một tỷ lệ nhất định dân số bị nhiễm bệnh và khỏi bệnh. Khi đó, những người này sẽ có kháng thể và miễn dịch tự nhiên trước Covid-19, đạt đến trạng thái miễn dịch cộng đồng, tiến sĩ Jeff Kwong, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Toronto (Canada), cho biết, theo Global News.
Ví dụ tại Canada, nếu muốn có miễn dịch cộng đồng thì cần có một nửa dân số có khả năng miễn dịch tự nhiên với Covid-19. Tuy nhiên, không ai biết rõ sẽ phải mất bao lâu mới có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, tiến sĩ Kwong giải thích thêm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) bày tỏ lo ngại khi đến nay vẫn “không có bằng chứng” cho thấy những người khỏi Covid-19 có đủ kháng thể để ngăn tái nhiễm lần nữa.
Nếu chưa có vắc xin trong thời gian tới, những làn sóng nhiễm Covid-19 mới sẽ xuất hiện. Bệnh nhân sẽ là những người vẫn chưa bị nhiễm trong làn sóng đầu tiên, Global News dẫn lời giáo sư vi sinh David Kelvin tại Đại học Dalhouse (Canada).
Nếu không thể tạo ra vắc xin thì thuốc kháng virus sẽ là công cụ chính bảo vệ chúng ta trước Covid-19. Thuốc kháng virus sẽ hạn chế lây nhiễm cũng như kiểm soát sự phát triển của SARS-CoV-2 khi nhiễm bệnh, giáo sư Kelvin giải thích thêm.

Vắc xin liệu có thể chấm dứt đại dịch Covid-19?

Tạo ra thành công vắc xin Covid-19 và mọi hoạt động đời sống lập tức trở lại bình thường là điều ai cũng mong muốn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng vẫn chưa có bằng chứng nào cho thấy vắc xin sẽ giúp con người miễn dịch hoàn toàn trước SARS-CoV-2, theo Global News.
Một trong những điều khó khăn mà các nhà khoa học phải đối mặt khi phát triển vắc xin chống SARS-CoV-2 là không phải lúc nào người được tiêm cũng có phản ứng miễn dịch mạnh như các loại virus gây bệnh khác như sởi, quai bị hay cúm.
Điều này có nghĩa là vắc xin trị Covid-19 có thể cần tiêm nhắc lại hoặc một số mũi tiêm khác trong những năm tiếp theo. Thậm chí, dù ngay đã khi tiêm vắc xin thì mọi người vẫn phải duy trì một số biện pháp giãn cách và vệ sinh như rửa tay đúng cách, các chuyên gia cho biết, theo Global News.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.