Gần 2 năm nay, các y bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, khoa Huyết học - truyền máu và khoa Vi sinh của Bệnh viện Đà Nẵng đã phối hợp nghiên cứu và thực hiện thành công cấy ghép tế bào gốc tự thân, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân bị chấn thương tủy sống dẫn đến liệt thần kinh. Và trong hơn 1 năm qua, 10 bệnh nhân được cấy tế bào gốc tự thân (tế bào gốc được chiết xuất từ chính tủy xương của mình), cải thiện dần chức năng vận động thay vì nằm liệt...
Thành công ban đầu
Một ngày giữa tháng 3, Bệnh viện Đà Nẵng tiếp nhận bệnh nhân L.V.D. (50 tuổi, ngụ tại Gia Lai) trong tình trạng liệt toàn thân, rối loạn đường tiểu không tự chủ - dạng di chứng nặng nề nhất của chấn thương tủy sống. Theo gia đình, ông D. chấn thương cột sống cổ do tai nạn giao thông cách đây 3 tháng. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Hữu Lâm (khoa Ngoại thần kinh) cho biết bệnh nhân được tiếp nhận, tầm soát xét nghiệm sinh hóa, huyết học, chẩn đoán hình ảnh và xác định thương tổn dập tủy cổ. Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa (ngoại thần kinh, huyết học, vi sinh), các bác sĩ thống nhất tiến hành cấy ghép tế bào gốc tự thân từ tủy xương chậu của bệnh nhân.
|
Quá trình cấy ghép được thực hiện trong vòng 1 ngày, bao gồm lấy máu tủy xương, phân lập tế bào gốc và cấy ghép vào khoang dịch não tủy. “Phân lập tế bào gốc là quy trình quan trọng nhất quyết định tỷ lệ thành công của ca cấy ghép, được thực hiện bởi các kỹ thuật viên huyết học và vi sinh được đào tạo tại Nhật. Quy trình kỹ thuật này được Bộ Y tế cho phép thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng và đây là ca thứ 10 chúng tôi thực hiện, góp phần cải thiện chức năng vận động cho bệnh nhân”, bác sĩ Lâm cho biết. Cũng theo bác sĩ Lâm, một trong những điều kiện tối quan trọng để chọn triển khai cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng là thời gian bị tai nạn chấn thương tủy sống phải dưới 1 năm, độ tuổi bệnh nhân từ 20-60 và phụ thuộc mức độ liệt toàn thân.
Theo dõi 9 ca thực hiện cấy ghép trước đó, nhận thấy mức độ phục hồi khác nhau theo tỷ lệ từ thấp đến cao (10-50%), tùy thuộc vào thời gian chấn thương tủy sống và khả năng tái tạo của tế bào của mỗi người bệnh. Ở mức độ thấp, bệnh nhân có thể cải thiện đường tiểu, xúc giác; mức độ cao hơn là vận động nhẹ, cử động nâng chân tay, vận động có sự trợ giúp và tiến đến tập phục hồi chức năng. Cả 10 ca thực hiện cấy ghép đều được hỗ trợ chi phí và chuyển giao kỹ thuật từ phía Bệnh viện Kitano, Trung tâm nghiên cứu TRI (Kobe, Nhật Bản).
“Cơ hội mở”
|
Do đa phần các ca cấy ghép thực hiện tại Bệnh viện Đà Nẵng đều là những bệnh nhân nghèo, ở vùng sâu vùng xa, nên các y bác sĩ không chỉ đưa họ vào danh sách hỗ trợ cấy ghép miễn phí mà còn chủ động kết nối để “tái khám” từ xa. Bác sĩ Lâm chia sẻ clip do bác sĩ đồng nghiệp Nguyễn Ngọc Bách ghi nhận trong chuyến thăm và tái khám ngay tại căn nhà lụp sụp, tạm bợ ở tận Hải Dương rồi nhận xét thêm: “Đây là một thanh niên trẻ được chúng tôi cấy tế bào gốc. Từ chỗ liệt toàn thân, cậu ấy đã cải thiện được hơn 50% chức năng vận động, có thể bắt đầu tập phục hồi chức năng”. Thêm một bệnh nhân khác quê ở Nghệ An khó khăn đến nỗi không có tiền vào Đà Nẵng tái khám và kiểm tra chức năng vận động, cuối cùng cũng được các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh tìm cách kết nối với bệnh viện địa phương để cùng “kiểm tra” từ xa...
TS-BS Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, nhận định cấy ghép tế bào gốc điều trị chấn thương tủy sống là một trong những bước tiến đáng kể, áp dụng y tế kỹ thuật cao ở một cơ sở y tế công lập. Thành công này cũng tạo tiền đề về cơ sở và nhân lực chất lượng cao để hình thành trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc đầu tiên ở khu vực miền Trung ngay tại Bệnh viện Đà Nẵng. “Trước đây, những trường hợp chấn thương cột sống cổ nặng sẽ liệt hoàn toàn, nhưng nay đã có một cơ hội mở cho bệnh nhân”, TS Lê Đức Nhân nói.
Bình luận (0)