Rất nhiều công trình nghiên cứu của các nhà chuyên môn đã chứng tỏ thực đơn ăn uống của trẻ ở tuổi thiếu niên có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe trong suốt thời kỳ trưởng thành cũng như cho đến khi lớn tuổi. Một số lưu ý về chế độ dinh dưỡng cho trẻ ở tuổi thiếu niên có thể kể:
- Năng lượng: Trẻ ở tuổi đang lớn cần nhiều năng lượng mà nguồn cung cấp chính là qua bữa ăn hằng ngày. Tuy nhiên, không cẩn thận thì sẽ dễ dẫn tình trạng dư cân hoặc béo phì do thừa năng lượng. Trẻ ở tuổi này sẽ rất khó hạn chế nhu cầu ăn uống của chúng, vì vậy cách để hạn chế tối đa tình trạng dư cân là khuyến khích trẻ năng vận động thể chất với các môn thể thao phù hợp như đạp xe, bơi lội, nhảy dây, chơi bóng đá, bóng rổ v.v...
Có một điều quan trọng cần lưu ý là mặc dù có thể đang trong tình trạng thừa cân nhưng không vì thế mà hạn chế tất cả các nguồn dinh dưỡng đối với trẻ, vì trẻ ở tuổi đang lớn rất cần một số chất quan trọng giúp cho sự hoàn thiện và phát triển của cơ thể. Các chất cần cung cấp một cách thường xuyên là:
- Chất sắt: Sắt là một loại khoáng chất giúp bảo vệ tế bào hồng cầu. Thiếu sắt có thể dẫn đến thiếu máu, đặc biệt là đối với các bé gái khi đến tuổi dậy thì. Nguồn cung cấp chất sắt chủ yếu là thịt đỏ, gan, lòng đỏ trứng gia cầm, ngũ cốc, đậu các loại. Các loại thực phẩm giàu vitamin C như trái cây tươi, nước trái cây, cà chua và rau xanh sẽ giúp cho sự hấp thu chất sắt sẽ tốt hơn.
- Calcium: Calcium là một khoáng chất đóng vai trò rất quan đối với sự phát triển của xương. Nguồn cung cấp calcium là sản phẩm từ sữa, bơ, yaourt, nước cam, rau xanh, sản phẩm đậu nành. 500-600ml sữa mỗi ngày là lượng thích hợp cung cấp đủ calcium cho trẻ.
- Folate: Đây là một loại vitamin quan trọng đối với sự phát triển của cơ thể. Nguồn cung cấp: ngũ cốc, rau xanh và đậu các loại. Bữa ăn sáng với bột ngũ cốc là một con đường tốt để tăng cường folate.
Một bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng phải bao gồm đủ 4 nhóm thực phẩm chính gồm: đường bột; béo; đạm; vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, việc thay đổi thực đơn giúp tạo cảm giác ngon miệng, kích thích sự hấp thu cũng quan trọng không kém việc cung cấp đủ dinh dưỡng. Dưới đây là các loại thực phẩm được phân chia theo các nhóm chính, các bậc phụ huynh có thể từ đây thay đổi thực đơn mà vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng giúp hoàn thiện sự phát triển thể chất cho trẻ:
Nhóm | Giá trị dinh dưỡng | Các loại thực phẩm |
Chất bột đường | Năng lượng, chất xơ, vitamin, khoáng chất | Bánh mì, bột ngũ cốc, gạo, mì sợi, khoai, bánh làm từ bột các loại |
Chất béo | Protein, calcium, carbohydrate, vitamin và khoáng chất | Bơ, sữa, các sản phẩm từ bơ, sữa |
Chất đạm | Protein, sắt, vitamin và khoáng chất | Thịt - cá các loại, trứng, các loại hạt, đậu |
Vitamin và khoáng chất | Vitamin và khoáng chất, bao gồm cả vitamin A, C; chất xơ | Tất cả các loại rau, trái cây (bao gồm cả tươi, khô và nước ép) |
Như trên đã nói, trẻ ở tuổi đang lớn nếu được cung cấp quá lượng năng lượng cần thiết sẽ dễ dẫn đến bị thừa cân hoặc béo phì. Đối với những trẻ có dấu hiệu hoặc đang ở trong tình trạng thừa cân, béo phì cần tránh các loại thực phẩm chế biến với dầu; các loại bánh, kẹo, nước ngọt; kem vì chúng chứa nhiều calories, chất béo, đường nhưng ít vitamin và khoáng chất, làm chậm quá trình phân hóa. Ngoài ra, những sản phẩm có nhiều đường còn là nguyên nhân gây hư răng. Vì vậy, nếu cho trẻ dùng các loại đồ ăn - uống nói trên thì nên dùng sau bữa ăn, đánh răng hoặc súc miệng ngay sau khi ăn. Trong bữa ăn, thích hợp nhất là uống nước hoặc sữa. (Health-BBC)
K.H
Bình luận (0)