Hiện các bệnh viện nhi đồng tại TP.HCM tiếp nhận 4.500-5.000 bệnh nhi khám mỗi ngày, có ngày cao điểm, lên đến 7.000 bệnh nhi (mỗi bệnh viện).
Hô hấp, tiêu hóa, bệnh truyền nhiễm gia tăng
Bác sĩ Phạm Văn Hoàng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết, những ngày gần đây, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 4.500-5.000 lượt trẻ khám. Trong đó, đứng đầu là số lượng trẻ mắc các bệnh về hô hấp (chiếm đến 20-30% tổng lượt khám). Xếp tiếp theo là trẻ mắc bệnh đường tiêu hóa.
Trong khi đó, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) ghi nhận trung bình mỗi ngày có gần 7.000 trẻ đến khám, trong đó, gần 400 trẻ phải nhập viện. Chỉ riêng tại Khoa Hô hấp 1, số lượng bệnh nhi nhập viện điều trị hiện khoảng 180-190 trẻ/ngày (trong khi giai đoạn đầu tháng 3, trung bình chỉ khoảng 150 trẻ/ngày).
“Nhiệt độ cao là điều kiện khiến các loại siêu vi, vi trùng phát triển nhanh, mạnh. Những ngày qua, nhiệt độ trung bình tại TP.HCM và Nam bộ ở mức 33-35 độ C, vi trùng có thể phát triển gấp đôi trong vòng chỉ… 20 phút”, bác sĩ Hoàng cho biết.
tin liên quan
Ăn sống thằn lằn có chữa được bệnh hen suyễn cho trẻ?Nhiều 'biện pháp' như: uống thằn lằn, rắn mối nướng, thậm chí ăn sống bằng cách há miệng rồi bấm đuôi thằn lằn cho chui vào miệng,… hoàn toàn chưa có bằng chứng khoa học chứng minh có khả năng điều trị khỏi bệnh hen suyễn cho trẻ.
Theo bác sĩ Hoàng, đây là thời điểm các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu hóa, tiêu chảy cấp, siêu vi hô hấp,… phát triển mạnh. Trong đó, nguy hiểm là phế cầu khuẩn S. pneumococcus (sinh trưởng mạnh ở 30-35 độ C), gây viêm phổi, viêm tai giữa, viêm màng não...
Mặt khác, theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM): Thời tiết nóng nực cũng làm cơ thể dễ mệt mỏi, sức đề kháng giảm, là nguyên nhân khiến trẻ dễ nhiễm bệnh.
“Bước vào tháng 4, 5 mỗi năm, mùa nắng nóng, cũng là giai đoạn gia tăng của một số dịch bệnh theo mùa như: tay chân miệng, thủy đậu, sốt phát ban. Khi trời bắt đầu có mưa thì gia tăng sốt xuất huyết”, bác sĩ Khanh nhận định.
Phòng bệnh cho trẻ
Theo bác sĩ Khanh, để phòng bệnh mùa nóng cho trẻ, quan trọng trước tiên là phải uống đủ nước (bú đủ, đối với trẻ nhỏ còn đang bú mẹ). “Vì mùa nóng, tiết mồ hôi nhiều nên cần phải bù lượng mất cho cơ thể”, bác sĩ Khanh nói.
|
Bên cạnh đó, bác sĩ Khanh khuyên phụ huynh cần giữ cho cơ thể trẻ thoáng mát bằng cách: mặc quần áo thoáng mát; phòng ngủ cần thông thoáng, mát mẻ dễ ngủ vì không ngủ được, trẻ cũng bệnh. Nếu để máy lạnh thì nhiệt độ tốt nhất là khoảng 27 độ C. Nếu dùng quạt thì chú ý không để luồng gió quạt trực tiếp vào trẻ suốt đêm.
Ngoài ra, tránh để trẻ bị chênh lệnh nhiệt độ nhiều khi từ ngoài trời nắng vào trong phòng máy lạnh. “Khi đi từ ngoài nắng nóng vào phòng máy lạnh, phải giữ ấm thời gian đầu cho trẻ. Không chơi đùa ngoài nắng lâu. Không tắm lâu”, bác sĩ Khanh lưu ý.
tin liên quan
Phòng bệnh thủy đậu vào mùaBệnh thủy đậu hay còn gọi là bệnh 'trái rạ' đang vào mùa theo chu kỳ hằng năm. Ngay từ đầu mùa bệnh đã có những ca nặng. Bác sĩ cảnh báo cần phòng bệnh lây lan và biến chứng nguy hiểm.
Bên cạnh đó, bác sĩ Hoàng khuyến cáo: Phụ huynh cần chú ý giữ vệ sinh cá nhân, nhà cửa, môi trường, vệ sinh bàn tay cho trẻ và cả người chăm sóc trẻ để phòng nhiều bệnh truyền nhiễm. Nên thường xuyên rửa đồ chơi cho trẻ, không để trẻ ngậm tay hay đồ chơi vào miệng. Đặc biệt, với trẻ đã bị tay chân miệng thì sau đó phải khử trùng đồ chơi, lau khử trùng nhà cửa.
Để phòng bệnh tiêu hóa, trẻ cần được ăn chín, uống nước đun sôi để nguội. Thức ăn phải được chế biến đúng, kiểm tra thường xuyên vì thời tiết nóng thức ăn rất dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn.
“Khi trẻ bị bệnh, phụ huynh nên cho trẻ đi khám sớm, tránh để bệnh diễn tiến nặng”, bác sĩ Hoàng cho biết.
Các bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc xin như phế cầu, thủy đậu, tiêu chảy do rota vi rút… phụ huynh nên cho trẻ chích ngừa đúng thời gian, đủ liều.
tin liên quan
Phòng bệnh ho gà cho trẻ mới sinhSố mắc ho gà ghi nhận ở các trẻ nhỏ sau sinh có xu hướng tăng trong thời gian gần đây. Đây là bệnh gây biến chứng nguy hiểm, đe dọa tử vong cao với các trẻ dưới 3 tháng tuổi.
Bình luận (0)