Ông T.T.Đ (53 tuổi, ngụ TP.HCM) nhập viện cấp cứu do bị đau bụng, tiêu chảy, ói. Bệnh nhân (BN) lại có bệnh tiểu đường và cao huyết áp. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán BN bị viêm dạ dày ruột, chuyển biến nặng đến nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng. BN được bù nước điện giải, dùng kháng sinh, điều trị tích cực… Qua hơn 7 ngày điều trị, BN mới có thể xuất viện.
Theo người nhà, ông Đ. trước khi nhập viện đã đau bụng 2 ngày và tiêu chảy liên tục, nhưng chỉ nghỉ ngơi tại nhà và uống oresol.
Thạc sĩ - bác sĩ Võ Ngọc Quốc Minh, Khoa Tiêu hóa - Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: Viêm dạ dày ruột là một loại nhiễm trùng tiêu hóa. Đây là bệnh rất thường gặp và cũng là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Bệnh xuất hiện với các mức độ khác nhau từ nhẹ đến rất nặng, trong đó, có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết nếu không xử trí kịp thời sẽ đưa đến sốc nhiễm trùng và tử vong. Tuy nhiên, nhiều người thường bỏ qua, do chủ quan vì các triệu chứng quá… thường gặp; những ca nhập viện do đó thường đã rơi vào tình trạng nặng.
Bệnh dễ bị bỏ qua do triệu chứng quá thường gặp
Theo bác sĩ Minh, nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột là các vi khuẩn đường ruột như E-coli, vi khuẩn của bệnh lị, Salmonella... hoặc ký sinh trùng đơn bào. Ở trẻ em thì vi rút là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày ruột, trong đó có Rota vi rút. BN bị nhiễm viêm dạ dày ruột thường do ăn uống không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, do nhiễm khuẩn hoặc do nhiễm độc tố của vi khuẩn.
Để phòng bệnh, bác sĩ Minh tư vấn: ăn uống đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; ăn chín và ăn khi thức ăn mới nấu, tránh để lâu, hạn chế thực phẩm tươi sống, salad, gỏi, đặc biệt các loại pa tê, thịt nguội bảo quản không tốt rất dễ nhiễm khuẩn; uống nước đun sôi để nguội; rửa tay thường xuyên (trước và sau khi ăn, chế biến thức ăn); nên chọn chỗ ăn hợp vệ sinh, tránh thức ăn đường phố. Có thể chích vắc xin phòng ngừa một số vi rút gây bệnh như Rota.
|
Viêm dạ dày ruột thường gây triệu chứng điển hình là tiêu chảy toàn nước, hơn 10 lần/ngày, làm cho BN mau chóng kiệt sức mất nước; tiêu ra phân đàm nhớt máu, mót rặn (như bị lị). Kèm theo đó, BN đau quặn bụng. Một số trường hợp thêm buồn nôn và sốt nếu đã bị nhiễm trùng xâm lấn. “Hậu quả nặng nề nhất là BN nhanh chóng bị mất nước gây nguy hiểm tính mạng, đặc biệt là ở trẻ em và người già. Các trường hợp sốc nhiễm trùng thường do BN lớn tuổi hoặc trẻ nhỏ, có bệnh nền, nhiễm trùng nặng hoặc nhiễm vi khuẩn có độc tính cao”, bác sĩ Minh cho biết.
Tuy nhiên, do triệu chứng rất thường gặp nên nhiều người thường chủ quan, thấy bị tiêu chảy, đau bụng thì chỉ uống thuốc tại nhà. Bác sĩ Minh lưu ý: Khi có các triệu chứng nghi ngờ, đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nhiều, người dân có thể xử trí ban đầu tại nhà là bù nước càng nhiều càng tốt bằng cách sử dụng dung dịch oresol. Tuy nhiên, sau đó, BN nên đi khám. Nếu mất nước nhẹ, BN không sốt, không đại tiện ra máu thì có thể điều trị ngoại trú. Trong trường hợp BN mất nước nặng thì phải nhập viện. Có trường hợp bệnh kéo dài 3 - 7 ngày mới tiến triển nặng nhưng cũng có trường hợp chỉ qua 24 giờ là đã trong tình trạng nặng, nhiễm trùng.
Bình luận (0)