Giảm ăn mặn để sống khỏe hơn

08/04/2018 09:02 GMT+7

Ăn quá mặn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Theo Bộ Y tế, 90% người VN ăn thừa muối.

Chúng ta đang ăn quá mặn
TS Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết ăn nhiều muối là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến mắc và tử vong do các bệnh tim mạch và một số bệnh không lây nhiễm khác. Thành phần natri chiếm khoảng 40% trọng lượng trong muối, và còn có nhiều trong nước mắm, nước tương, bột canh cùng nhiều loại gia vị mặn khác... Trong cơ thể người, muối na tri đóng vai trò quan trọng như điều chỉnh, duy trì cân bằng dịch thể, dẫn truyền tín hiệu thần kinh - cơ, hỗ trợ hấp thụ các chất dinh dưỡng, bảo đảm chức năng bình thường của tế bào...
“Tuy muối là chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể, nhưng ăn nhiều muối lại là yếu tố nguy cơ chính gây tăng huyết áp, dẫn đến tai biến mạch máu não, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim và nhiều bệnh tim mạch khác; tăng nguy cơ gây suy thận, loãng xương và ung thư đường tiêu hóa, đặc biệt là ung thư dạ dày”, ông Bắc lưu ý.
Theo Cục Y tế dự phòng, nghiên cứu mới đây về thói quen sử dụng muối tại TP.HCM cho thấy: 73% các hộ gia đình sử dụng mì ăn liền; 37% sử dụng đồ đóng hộp; 31% có ăn xúc xích và còn lại là các sản phẩm cháo ăn liền, các sản phẩm đóng gói ăn liền… Trong khi đó, đây đều là những thực phẩm có hàm lượng muối rất cao. Cụ thể: 5 - 7 gr muối/100 gr mì ăn liền; 1,5 - 2,3 gr muối/100 gr xúc xích. Tuy nhiên, chỉ có 16% người được hỏi cho rằng mình ăn mặn; trên 50% không nhận biết được đầy đủ những thực phẩm thông thường có nhiều muối; chỉ 5% biết ăn nhiều muối có thể gây cơn đau tim, nhồi máu cơ tim.
Ông Bắc cho rằng chúng ta đang ăn quá mặn. Kết quả điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm năm 2015 cho thấy: 90% người VN ăn rất nhiều muối - 10 gr muối/ngày (nam 10,5 gr, nữ 8,3 gr), cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO (5 gr/người/ngày).
Phó trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại VN chia sẻ hiện nay thế giới cũng đang sử dụng muối quá nhiều, trung bình khoảng 10 gr/ngày. Nếu hấp thụ dưới 5 gr muối/ngày sẽ cứu sống khoảng 2,5 triệu người/năm.
Tạo thói quen giảm muối
Ông Bắc lưu ý, ở nhiều nước muối ăn vào cơ thể hằng ngày chủ yếu từ thực phẩm chế biến sẵn hoặc do ăn ở nhà hàng (chiếm 77%), còn tại VN hầu hết lượng muối ăn vào là từ muối, gia vị thêm vào khi nấu ăn hoặc do chấm/trộn mắm, muối, gia vị trên bàn ăn. Tại các nước, để giảm độ đậm muối khẩu vị có thể can thiệp qua các cơ sở chế biến thực phẩm, còn tại VN cần thay đổi thói quen trong chế biến thức ăn từ mỗi gia đình. Trước mắt, cần giảm 50% lượng muối tiêu thụ hằng ngày.
Một chuyên gia của Viện Dinh dưỡng cho biết 70% nguồn muối là từ muối, mắm và gia vị mặn cho vào thực phẩm khi chế biến và khi ăn; 20% từ thực phẩm chế biến sẵn; khoảng 10% từ muối có sẵn trong thực phẩm tự nhiên. Ăn mặn là khẩu vị quen khó thay đổi của người VN, do đó khi giảm muối nên áp dụng chế độ ăn tăng cường nhiều loại gia vị khác nhau như chua, cay, ngọt để bớt cảm giác nhạt nhẽo.
Vì sao ăn mặn gây tăng huyết áp ?
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu (HA tối đa) ≥ 140 mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương (HA tối thiểu) ≥ 90 mmHg. Với chế độ ăn nhiều muối, nước được giữ lại trong lòng mạch làm tăng thể tích máu lưu thông, làm tăng áp lực máu trong lòng mạch dẫn tới tăng huyết áp.
Sử dụng quá nhiều muối còn gây bất lợi khác đối với sức khỏe như: giữ nước trong các bệnh suy tim, thận nhiễm mỡ; gây phù chu kỳ, phù trước kỳ kinh, phù vô căn; tăng co thắt, kích thích cơn suyễn; ăn mặn liên quan đến ung thư dạ dày; tăng thải can xi qua thận làm tăng nguy cơ loãng xương.
Cùng với chế độ ăn giảm muối để điều trị và phòng bệnh tăng huyết áp, cần tăng cường thực phẩm có tính chất lợi tiểu nhẹ, giàu ka li, bổ sung chất xơ như rau cải, cà chua, bầu bí, khóm, mía, cam; khoai lang, khoai tây, khoai môn, đậu xanh, đậu đen... (500 - 600 gr rau trái, 30 - 40 gr đậu đỗ/ngày).
(Nguồn: Chương trình quốc gia phòng chống tăng huyết áp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.