Giám đốc Sở Y tế TP.HCM nói gì sau vụ ‘bỏ mặc bé gái chưa đóng tiền’?

03/05/2018 00:05 GMT+7

Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Tấn Bỉnh đã chia sẻ nhiều điều khi trả lời PV Thanh Niên sau vụ “bỏ mặc bé gái chưa đóng tiền” xảy ra ở Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn.

Ông Nguyễn Tấn Bỉnh nói: “Người bệnh nói chung đã rất khó khăn rồi, đến bệnh viện nhiều khi gặp môi trường quá tải, chờ đợi trong điều kiện chật chội, không khí nóng nực, thì tâm trạng có thể càng “nóng” hơn. Nhưng bác sĩ làm việc mà người thân của mình không là bệnh nhân, dù sao cũng còn tốt hơn, tâm trạng mình đỡ căng thẳng hơn người bệnh, thì phải biết cố gắng kiềm chế lại. Về vấn đề này, lãnh đạo các bệnh viện cũng cần có quy tắc để tập thể y bác sĩ ứng xử cho tốt hơn, có đội ngũ tiếp xúc thông tin cho tốt, khi xảy ra sự cố về ứng xử thì giải quyết kịp thời, chuẩn mực, bởi thời buổi thông tin như bây giờ, nếu chậm xử lý thì dễ phát sinh thành điểm nóng gây bức xúc dư luận, gây ra cách nhìn chưa đầy đủ, thiếu thiện cảm về ngành y tế”.
Trong các sự cố ứng xử xảy ra ở bệnh viện, đa phần là người bệnh bức xúc thái độ của y bác sĩ, Sở Y tế nhìn nhận vấn đề này như thế nào trong việc nâng cao y đức?
Nâng cao y đức là yêu cầu bắt buộc, dù sao cũng phải thực hiện cho thật tốt. Tôi nghĩ rằng đã lựa chọn nghề y chữa bệnh cứu người thì phải làm tốt thiên chức của mình để xã hội tôn trọng, quý mến. Chúng ta lúc nào cũng rèn luyện đạo đức, tác phong song song với nâng cao tay nghề cho tốt hơn nữa. Trong hoàn cảnh nào cũng phải hết sức bình tĩnh, phải quan tâm đến sức khỏe người bệnh. Nếu chúng ta biết quan tâm đến người bệnh, thân nhân của họ thì phải biết cách dằn lại những bực bội của mình.
Có không ít ý kiến cho rằng do tình trạng quá tải bệnh viện, bác sĩ mỗi ngày khám chữa bệnh nhiều đến mức “chịu đời không nổi” nên có lúc mới gây ra cớ sự khiến bệnh nhân bức xúc…
Dù có quá tải hay không nhưng tinh thần của thành phố cũng như tinh thần chung của Bộ Y tế là y bác sĩ phải hết lòng phục vụ bệnh nhân, lúc nào cũng phải hết sức kiềm chế, đặt lợi ích người bệnh lên trên hết. Trên thực tế cũng có lúc phát sinh tình huống khiến người bệnh chưa hài lòng, đặc biệt là lúc người bệnh đang có những bức xúc, lúc đang cấp cứu. Nhưng dù thế nào thì anh em cũng phải hết sức kiềm chế. Những cái gì chưa tốt được thì ngành y tế phải rút kinh nghiệm.
Qua sự việc xảy ra ở Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn, ngành y tế cũng đã có thông báo, chia sẻ cho tất cả các bệnh viện thành phố để cùng rút kinh nghiệm, tránh lặp lại tình huống tương tự. Nếu như máy móc mà có hư thì mình phải có lời lẽ giải thích cho bệnh nhân hiểu rõ. Người thân đang đau ốm, thì người ta rất nóng lòng. Mình không giải thích kịp thời thì gây tình trạng bức xúc.
Sở Y tế giải quyết vấn đề quá tải bệnh viện như thế nào để góp phần giúp cho y bác sĩ các bệnh viện tuyến cuối “dễ thở” hơn?
Mỗi năm các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố khám và điều trị lên đến hơn 30 triệu lượt bệnh nhân. Đây là con số rất lớn. Thực tế số lượng bệnh nhân mà mỗi bác sĩ khám mỗi ngày thì tùy theo chuyên khoa, chẳng hạn như về bệnh nhi thì bác sĩ khám rất nhiều, một ngày không dưới 50 - 60 bệnh nhi. Thành phố cố gắng tăng cường bác sĩ để một bác sĩ khám khoảng 35 bệnh nhân/ngày, nhưng đó là ao ước, bởi một số bệnh viện quận, huyện thì đáp ứng được, riêng bệnh viện chuyên khoa thì đều vượt tải.
Còn ở phòng điều trị trong các bệnh viện, một bác sĩ phụ trách bình quân 4 - 10 giường bệnh. Theo cơ cấu thì 1.000 giường bệnh cần 300 bác sĩ, nhưng thực tế thì nhiều khi bệnh nhân quá tải nên bác sĩ phải phụ trách khám nhiều hơn, vượt tiêu chuẩn giường bệnh.
Giải quyết quá tải bệnh viện là cả một vấn đề. Thành phố đang thực hiện nhiều giải pháp để giảm tải bệnh viện, trong đó có tăng cường năng lực y tế cơ sở để bệnh nhân không còn phải dồn hết lên tuyến trên gây ra tình trạng quá tải.
Vừa qua Thủ tướng đã chỉ đạo và Bộ Y tế cũng đã có chỉ đạo, là phải phát triển tốt y tế cơ sở. TP.HCM đang đi theo hướng đó và đang triển khai quyết liệt ở các bệnh viện tuyến quận, huyện, củng cố và nâng cao năng lực khám chữa bệnh đối với cơ sở y tế xã, phường. Thứ hai nữa là đào tạo nguồn nhân lực y tế có chất lượng tốt để bổ sung. Đào đạo đại học rồi còn phải đào tạo sau đại học nữa để tạo niềm tin cho người dân vào y tế tuyến cơ sở; triển khai mô hình bác sĩ gia đình… nhằm góp phần giảm tải thật sự ở các bệnh viện trung tâm.
Thành phố rất chú trọng giảm áp lực cho bác sĩ, điều dưỡng nhưng như tôi đã nói, dù trong tình huống nào, nhân viên y tế cũng phải ý thức phục vụ bệnh nhân là trên hết. Nếu có thái độ gì lỡ bộc phát trong lúc làm việc căng thẳng, quá sức hoặc do yếu tố tâm lý thì cũng phải cố dằn lại. Nếu mình không dằn được thì phải nhờ đồng nghiệp của mình để có thể tiếp sức cho bệnh nhân một cách nhẹ nhàng hơn, tạo sự hài lòng cho người bệnh.
Xin cám ơn ông!
Liên quan đến sự cố bệnh nhân L.N.T (30 tuổi, ngụ Q.9, TP.HCM) vào Bệnh viện An Sinh khám vì bị dị ứng gây ngứa, nổi mề đay nhưng chỉ sau 3 mũi chích, bệnh nhân rơi vào hôn mê sâu liên tục và tử vong vào giữa cuối tháng 4.2018, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết khi sự cố xảy ra, Sở Y tế đã có báo cáo bước đầu, thành lập hội đồng chuyên môn để làm rõ, vì trong tai biến y khoa, kết luận cuối cùng thuộc về hội đồng chuyên môn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.