Giữ cánh tay cho bệnh nhân bị ung thư xương cẳng tay

31/03/2018 07:56 GMT+7

Bệnh nhân Đỗ Thị N. (16 tuổi) nhập viện trong tình trạng đau nhức xương khớp kéo dài, được chẩn đoán ung thư xương cánh tay, sau khi có các kết quả chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm.

Bệnh nhân N. sau khi điều trị hóa chất tại Bệnh viện K để ngăn chặn ung thư tiến triển đã được bác sĩ Bệnh viện K có chỉ định phẫu thuật bảo tồn cánh tay. Chiều 28.3, kíp phẫu thuật, với sự tham gia của các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện K, đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Thạc sĩ Nguyễn Trần Quang Sáng (Khoa Ngoại bụng 2, bệnh viện K) cho biết: “Trước đây, thường phẫu thuật cắt cụt cánh tay hoặc cắt đầu trên xương cánh tay của bệnh nhân, sau đó treo phần còn lại vào ổ chảo. Bởi vậy, toàn bộ cánh tay sẽ mất chức năng, thậm chí sau một thời gian, cánh tay có thể sẽ sệ xuống, làm bệnh nhân khó chịu quay lại xin cắt cụt. Với trường hợp bệnh nhân N., chúng tôi đã thực hiện cắt đầu trên xương cánh tay (cách khối u trên 2 cm để tránh tái phát sớm). Đoạn xương cắt dài 18 cm, nhưng ở Việt Nam, hiện tại khớp vai nhân tạo chuôi dài nhất là 13 cm. Do vậy, vấn đề khó khăn đặt ra là khi thay khớp vai nhân tạo, sẽ làm ngắn chi, ảnh hưởng chức năng của khớp".
Để đảm bảo phần khớp thay có độ dài tương đương phần đã cắt, kíp phẫu thuật đã ghép thêm đoạn xương đồng loại, sau đó mới đưa chỏm nhân tạo vào khớp vai, giúp phục hồi chức năng chi, khớp, cũng như thẩm mỹ cho bệnh nhân. Với sự chuẩn bị hết sức kỹ càng, phẫu tích tỉ mỉ, ca phẫu thuật với kỹ thuật mới và độ khó cao, đã thành công. Hai ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân sức khoẻ ổn định, cánh tay được bảo tồn tiếp xúc tốt.
Cánh tay được bảo tồn cho bệnh nhân bị ung thư xương cẳng tay ẢNH THU HÀ
Các bác sĩ chia sẻ, kỹ thuật mới được triển khai là bước tiến mới trong phẫu thuật ung thư xương tại Việt Nam nói chung, bệnh viện K nói riêng. Với kỹ thuật ngày càng hiện đại, điều trị cho người bệnh ung thư xương không chỉ dừng lại với mục đích dài thời gian sống, mà còn đảm bảo phục hồi chức năng, hình dáng thẩm mỹ của chi tối đa nhất cho bệnh nhân. Các ca phẫu thuật sẽ thay khớp, ghép xương tự thân (có cuống mạch và không cuống mạch), ghép xương đồng loại, và các vật liệu thay thế.
Các bác sĩ cho hay, ung thư xương có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nam mắc nhiều hơn nữ, bao gồm ung thư nguyên phát (xuất phát từ các thành phần của xương) và ung thư thứ phát (các ung thư khác di căn đến).
Ung thư xương với đặc điểm ác tính cao, thường di căn sớm, thậm chí ngay vào thời điểm chẩn đoán và thường là di căn phổi. Điều trị ung thư xương cơ bản gồm phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và miễn dịch, tùy theo giai đoạn và thể giải phẫu bệnh. Khi điều trị kết hợp phẫu thuật với hóa chất sẽ giúp khoảng 70% người bệnh kéo dài sự sống thêm 5 năm.
Tuy nhiên, thời gian qua, phẫu thuật thường dẫn tới cắt cụt hoặc làm mất đoạn chi ngắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng chi, cũng như tính thẩm mỹ và người bệnh sẽ mang tâm lý mặc cảm, đặc biệt là với người trẻ tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.