Giúp đỡ cô gái Campuchia bị bệnh hiểm nghèo đang chữa trị tại Cần Thơ

22/06/2019 05:01 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đưa tin về gia cảnh của một cô gái nghèo người Campuchia bị xuất huyết đa cơ quan nguy kịch đang điều trị tại Cần Thơ, nhiều mạnh thường quân gần xa đã đến ủng hộ bệnh nhân này.

Chiều 21.6, BSCK2 Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết mấy ngày qua, từ nguồn vận động của bệnh viện và báo đài, trong đó có Báo Thanh Niên, nhiều mạnh thường quân đã đến bệnh viện để ủng hộ vật chất cho bệnh nhân Ro Ky Yah, cô gái 21 tuổi người Campuchia.
Họ là những cá nhân, những doanh nghiệp Việt Nam và có cả doanh nghiệp Campuchia đang làm ăn tại Cần Thơ. Trước đó, một mạnh thường quân là tên Lê Trung Tấn, đại diện Công ty Angkorshine Development - Campuchia thông qua Báo Thanh Niên đã chuyển cho Phòng Công tác xã hội của bệnh viện 1.000 USD để hỗ trợ bệnh nhân.
Số tiền các mạnh thường quân hỗ trợ cho Ro Ky Yah đã được 152 triệu đồng vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí điều trị tốn kém của cô gái Campuchia Ảnh: Đình Tuyển
“Chúng tôi đến đây tìm cơ hội đầu tư với vào cảng sông ở Cần Thơ. Sau đó, chúng tôi nghe bạn bè đối tác nói về trường hợp của bệnh nhân từ đất nước chúng tôi đến đây với bệnh tình nặng gần như vô vọng và bệnh viện đã điều trị giúp cô ấy thoát khỏi nguy kịch. Chúng tôi là doanh nghiệp Campuchia và một người bạn Hồng Kông đến đây để đóng góp chút ít giúp cô ấy. Xin cảm ơn bệnh viện, đã chăm sóc, tạo điều kiện cho cô ấy”, ông Sok San, Chủ tịch Mekong Logistics Center Limited - Campuchia, đến thăm bệnh nhân cho biết.
Trước đó, ngày 12.6, cô gái trẻ người Campuchia được đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ trong tình trạng rất nguy kịch.
Qua siêu âm và các xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị xuất huyết ổ bụng nhiều do nang buồng trứng vỡ. Cùng với đó còn phát hiện thêm phù, tràn dịch màng phổi. Đặc biệt, xét nghiệm huyết học cho thấy bệnh nhân bị giảm tiểu cầu chỉ còn mức khoảng 3.000 tiểu cầu/µl máu (Micro lít máu) trong khi giá trị trung bình của người bình thường là từ 150.000 - 350.000 tiểu cầu/µl máu (Micro lit máu).
Bệnh nhân được chẩn đoán nghi ngờ bệnh lupus hệ thống có tổn thương đa cơ quan, trong đó nặng nề nhất về huyết học, các cơ quan khác cũng tổn thương.
Sau đó, bệnh nhân đã được hồi sức tích cực, vừa phẫu thuật cấp cứu để giải quyết tình trạng xuất huyết vừa truyền tiểu cầu, truyền máu và các chế phẩm máu. Hiện tại, bệnh nhân Ro Ky Yah đã được chuyển lên Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Các bác sĩ vẫn đang cố gắng điều trị tích cực cho bệnh nhân qua giaI đoạn cấp cứu giảm tiểu cầu nặng.
ThS.BS Nguyễn Long Quốc (Khoa Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Hiện nay, tình trạng của bệnh nhân về lâm sàng là tương đối ổn định. Các dấu hiệu sinh tồn, tri giác, các cơ quan tương đối ổn định. Đặc biệt, dấu hiệu xuất huyết hiện nay chỉ còn những vết bầm cũ.
“Cơ bản có thể nói là bệnh nhân diễn tiến theo chiều hướng tốt lên mặc dù số lượng tiểu cầu theo xét nghiệm vẫn chưa đạt được mức mong chờ nhưng ít nhất đang giữ được ở ngưỡng không thấp, không hạ thêm, có xu hướng tăng lên mặc dù rất là chậm so với thời gian trước đây”, BS Quốc nói.
Trước sự nhiệt tình của các bác sĩ, sự chia sẻ, giúp đỡ của mạnh thường quân, bà Khoti, mẹ bệnh nhân Ro Ky Yah, cho biết gia đình rất biết ơn Ban giám đốc Bệnh viện Đa khoa trung ương Cần Thơ, các bác sĩ, y tá ở bệnh viện đã tận tình chăm sóc Ro Ky Yah. Đặc biệt là các mạnh thường quân đã giúp đỡ chi phí điều trị.
“Do gia đình khó khăn không đủ điều kiện đi lại nên hiện cha và mấy người anh, chị Ro Ky Yah không thể qua Cần Thơ thăm. Hôm qua, tôi đã điện thoại được về nhà báo tin được nhiều người giúp đỡ, chồng và các con tôi bên đó mừng rơi nước mắt”.
Đến chiều cùng ngày, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết số tiền các mạnh thường quân ủng hộ bệnh nhân Ro Ky Yah đã được 152 triệu đồng. Đây là số tiền không nhỏ nhưng thực sự vẫn chưa thấm vào đâu so với chi phí chữa bệnh rất lớn của cô gái trẻ này.
Được biết, chi phí điều trị của bệnh nhân rất cao. Trong khi gia đình bệnh nhân quá khó khăn, không có bảo hiểm...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.