Bộ Y tế định nghĩa: Bệnh nhân (BN) Covid-19 (F0) là người nhiễm SARS-CoV-2 được khẳng định bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR dương tính.
BN Covid-19 có triệu chứng ban đầu thường gặp là sốt, ho khan, mệt mỏi và đau cơ. BN có thể bị đau họng, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau đầu, ho có đờm, nôn và tiêu chảy. Một số trường hợp có biểu hiện rối loạn khứu giác hoặc tê lưỡi.
Hầu hết người bệnh (hơn 80%) chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự hồi phục sau khoảng một tuần; một số trường hợp không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng nào.
Lưu ý thời điểm chuyển nặng
Theo hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, khoảng gần 20% số BN Covid-19 diễn biến nặng, thời gian trung bình từ khi có triệu chứng ban đầu tới khi diễn biến nặng thường khoảng 5 - 8 ngày.
Các biểu hiện nặng bao gồm: viêm phổi, viêm phổi nặng cần nhập viện… Trong đó, khoảng 5% cần điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực với các biểu hiện hô hấp cấp (thở nhanh, khó thở, tím tái…), hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS), rối loạn đông máu, tổn thương vi mạch gây huyết khối và tắc mạch, viêm cơ tim, sốc nhiễm trùng, suy chức năng các cơ quan bao gồm tổn thương thận và tổn thương cơ tim, dẫn đến tử vong.
Thời kỳ hồi phục thường sau giai đoạn toàn phát là 7 - 10 ngày, nếu không có ARDS, BN sẽ hết sốt, các dấu hiệu lâm sàng dần trở lại bình thường và khỏi bệnh.
Ở trẻ em, đa số trẻ mắc Covid-19 có các biểu hiện lâm sàng nhẹ hơn người lớn, hoặc không có triệu chứng. Các dấu hiệu thường gặp ở trẻ là sốt và ho...
Tuy nhiên, một số trẻ mắc Covid-19 có tổn thương viêm đa cơ quan giống bệnh Kawasaki như: sốt; ban đỏ hoặc xung huyết giác mạc, hoặc phù nề niêm mạc miệng, bàn tay, chân; suy tuần hoàn; các biểu hiện tổn thương chức năng tim và tăng men tim; rối loạn tiêu hóa; rối loạn đông máu và tăng các chỉ số viêm cấp.
Tử vong do Covid-19 xảy ra nhiều hơn ở người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch và mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
F0 đủ tiêu chuẩn sức khỏe được điều trị tại nhà
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhìn nhận vừa qua tại một số nơi có ca bệnh tăng cao, như TP.HCM, một số thời điểm có ùn tắc trong vài giờ về việc vận chuyển, tiếp nhận BN. Bộ Y tế đã có hướng dẫn mới: BN Covid-19 (F0) có thể ra viện sớm hơn, khi có đủ điều kiện sức khỏe, theo tiêu chí vừa ban hành. Việc này nhằm đảm bảo an toàn cho BN, đồng thời tập trung nhân lực cho BN nặng, đặc biệt trong tình huống ca mắc tăng cao.
PGS Khuê cũng lưu ý: F0 có thể không nặng, không triệu chứng nhưng nếu lây sang người già, người có bệnh mãn tính trong gia đình, thì người bị lây nhiễm lại có thể trở nặng, nguy kịch. Do đó, trong thời gian điều trị tại nhà, BN cần tuân thủ các quy định phòng ngừa lây nhiễm cho người trong gia đình và cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, việc triển khai thí điểm điều trị F0 tại nhà sau thời gian 10 ngày điều trị tại bệnh viện được đưa ra dựa trên kết quả theo dõi khoảng 70 - 80% trường hợp F0 không có triệu chứng trong thời gian qua. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã đưa ra khuyến cáo về giảm thời gian điều trị tại cơ sở y tế đối với F0. Các trường hợp F0 đủ điều kiện điều trị cách ly tại nhà sẽ được theo dõi y tế, được chuyển điều trị nếu có diễn biến nặng.
Mặc dù hầu hết BN Covid-19 diễn biến nhẹ, tuy nhiên nếu số mắc tiếp tục tăng cao thì ca bệnh nặng sẽ gia tăng, có thể gây quá tải hệ thống y tế. Do đó, người dân cần nghiêm túc thực hiện khuyến cáo 5K và các quy định phòng dịch; tiêm vắc xin khi được thông báo của cơ quan thẩm quyền để bảo vệ mình và cộng đồng.
Đến ngày 16.7, trong số 9.418 BN được đánh giá lâm sàng, có 5.066 BN không có triệu chứng (chiếm 53,8%); 3.248 BN biểu hiện nhẹ (34,5%); 373 BN biểu hiện trung bình (4%); 124 BN nặng thở máy xâm nhập (1,3%); 21 BN rất nặng can thiệp ECMO (0,2%)…
(Nguồn: Bộ Y tế)
|
Bình luận (0)