70% TPCN sản xuất trong nước
PGS-TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế cho biết, TPCN được nghiên cứu ở các nước phát triển trên thế giới trong đó có Nhật Bản từ những năm 1980, sau đó dần phát triển ở các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Trung Quốc...
TS Phong chia sẻ, TPCN xuất hiện ở Việt Nam từ đầu năm 2.000, khi đó chủ yếu là thực phẩm chức năng nhập khẩu. Nhưng đến nay hơn 70% các sản phẩm TPCN lưu hành trên thị trường VN là sản phẩm trong nước sản xuất, hơn 20% TPCN nhập khẩu. Ngoài ra, một số doanh nghiệp VN cũng đã bắt đầu xuất khẩu thực phẩm chức năng ra nước ngoài. “VN có lợi thế lớn là nền y học cổ truyền phát triển, có nguồn nguyên liệu phong phú, nhiều giống cây, con quý hiếm để phục vụ cho việc nghiên cứu, sản xuất thực phẩm chức năng. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp VN đã đầu tư các dây chuyền sản xuất, nhà máy hiện đại, kết hợp với các nhà khoa học, nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm có chất lượng tốt, hiệu quả cao”, ông Phong đánh giá.
Tuy nhiên, ông Phong cũng chỉ rõ, kết quả kiểm tra, giám sát về ATTP cho thấy, trong quá trình sản xuất, kinh doanh TPCN vẫn còn các doanh nghiệp vi phạm các quy định như: quảng cáo TPCN sai sự thật, quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung, quảng cáo vi phạm các quy định cấm quảng cáo theo quy định của pháp luật. Sản xuất TPCN không đúng với chất lượng như bản đăng ký công bố sản phẩm; ghi nhãn không đúng với các quy định của pháp luật; sản xuất TPCN khi chưa đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Chất lượng sẽ phải thật
Theo Cục ATTP, tiêu chuẩn chất lượng TPCN hiện do doanh nghiệp tự công bố, tự chịu trách nhiệm sản phẩm. Các thành phần công bố dựa trên tài liệu khoa học, các nghiên cứu đã công bố về cây thuốc Việt Nam. Kiểm tra chất lượng được căn cứ nguồn gốc nguyên liệu, đơn vị phải thể hiện được đầy đủ trên hóa đơn chứng từ số lượng nguyên liệu nhập vào tương đương với số sản phẩm được sản xuất. Việc kiểm tra sản phẩm chú trọng giám sát về các chỉ tiêu vi sinh như: nấm men, nấm mốc, các vi khuẩn gây bệnh, kim loại nặng, không được quá ngưỡng.
Nhưng trong thời gian qua, qua thực tế thanh, kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện có doanh nghiệp chỉ có văn phòng, không có nhà máy nhưng vẫn công bố chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường. Thậm chí, không ít trường hợp, khi đoàn kiểm tra đến thì “công ty” đã chuyển đi đâu không rõ. Do đó, khi bắt buộc đạt GMP chắc chắn các “công ty” kiểu này sẽ phải ngưng hoạt động. Con số không đạt GMP hiện ước cả ngàn cơ sở. Ngoài ra, hoạt chất chỉ mang tính định tính chứ chưa định lượng nên không đảm bảo chất lượng cho người dùng. Ví dụ như hoạt chất đó tồn tại trong sản phẩm nhưng rất thấp nên không có hiệu quả khi dùng nhưng vẫn bị bán với giá rất đắt, không tương xứng với chất lượng.
“Với chuẩn GMP, nhà sản xuất TPCN buộc phải có hồ sơ thể hiện suốt quá trình nuôi trồng, thu hái, bao gói, bảo quản, lưu kho vận chuyển, lưu thông đối với nguyên liệu nhập về cho sản xuất TPCN, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và hàm lượng, chất lượng hoạt chất chính chứ không chỉ đạt yêu cầu trên hóa đơn chứng từ về nguồn gốc’, ông Phong cho biết.
Theo Luật An toàn thực phẩm năm 2010, TPCN là thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, bao gồm thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học. Cần hiểu đúng: TPCN không phải để điều trị, không thay thế thuốc chữa bệnh. Vừa qua, Cục đã xử phạt nhiều cơ sở và cảnh báo nhiều trang web quảng bá sản phẩm TP bảo vệ sức khỏe gây hiểu lầm có tác dụng chữa bệnh, đặc biệt là với các sản phẩm tiểu đường, tim mạch, ung thư, xương khớp,…
PGS - TS Nguyễn Thanh Phong
|
Bình luận (0)